Thời sự
Cập nhật lúc 02:32 10/02/2025 (GMT+7)
17 dự án đầu tư đang bị ách tắc tại TPHCM và Đà Nẵng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc khơi thông nguồn lực các dự án đầu tư đang bị ách tắc, trước mắt là 12 dự án tại TPHCM và 5 dự án tại Đà Nẵng.

17 dự án đầu tư đang bị ách tắc tại TPHCM và Đà Nẵng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc khơi thông các nguồn lực rất lớn tại các dự án đầu tư đang bị ách tắc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 10.2, tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh.

Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lực lượng doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.

Trong đó Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực nhằm khơi thông các nguồn lực rất lớn tại các dự án đầu tư đang bị ách tắc, trước mắt là 12 dự án tại TPHCM và 5 dự án tại Đà Nẵng, thể hiện tinh thần luôn đồng hành, sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, ngay trong năm 2025, phải thực sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng "kiến tạo phát triển", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, BOT, BT, giao thông, năng lượng tái tạo,… trước mắt, tập trung cho các dự án tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương lớn để giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế ngay trong năm 2025.

Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, mở ra không gian phát triển mới; các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, trung tâm dữ liệu quốc gia…

Đồng thời, có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Hình thành, phát triển các ngành kinh tế gắn với các trung tâm mới như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chu Lai, các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các khu thương mại tự do, ga đường sắt tốc độ cao…

Xây dựng và triển khai ngay các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có tính cạnh tranh khu vực, quốc tế để hình thành các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do.

Đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi từ doanh nghiệp, người dân, chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế.

https://laodong.vn/thoi-su/17-du-an-dau-tu-dang-bi-ach-tac-tai-tphcm-va-da-nang-1460937.ldo

PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: