Liên quan đến việc giải quyết chế độ dạy thêm giờ, thêm lớp năm 2022-2023 cho tập thể giáo viên Trường THCS Bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh, Bình Định), Báo Lao Động đã có buổi làm việc với UBND huyện Vân Canh cùng các đơn vị liên quan.
Tự ý phân công giáo viên dạy thêm giờ
Tại buổi làm việc ngày 17.9, Thanh tra huyện Vân Canh khẳng định, thời điểm xảy ra tình trạng nợ chế độ dạy thêm giờ năm học 2022-2023, Trường THCS Bán trú Canh Thuận (Trường Canh Thuận) vẫn thuộc quản lý của Phòng GDĐT huyện, chưa bàn giao về UBND huyện.
Về cách tính chi trả chế độ thêm giờ, Thanh tra huyện cho rằng, Trường Canh Thuận đã quy đổi ra tiết dạy để tính giảm định mức và tính tiền thừa giờ đối với một số trường hợp giáo viên kiêm nhiệm văn thư, thủ quỹ, phổ cập giáo dục, cơ sở dữ liệu... là chưa phù hợp.
Nhiều trường hợp không có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thiếu giáo viên, nhưng trường vẫn phân công giảng dạy vượt số tiết bắt buộc trong năm học, để thanh toán tiền thêm giờ.
Điển hình là trường hợp thầy Nguyễn Thanh T (dạy vượt 100 tiết), cô Dương Thị Ngọc L (dạy vượt 105 tiết) và cô Phạm Thị Nh (dạy vượt 67 tiết).
Thanh tra huyện Vân Canh xác định, nguyên nhân để xảy ra tình trạng nợ chế độ kéo dài, trách nhiệm chính thuộc về Ban Giám hiệu Trường Canh Thuận, mà người đứng đầu là Hiệu trưởng Trần Duy Khá.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Chấn - Trưởng Phòng GDĐT huyện Vân Canh cũng thừa nhận có trách nhiệm đối với việc nợ chế độ thêm giờ của các giáo viên. Đồng thời nêu rõ quan điểm là phải chi đúng, chi đủ, đảm bảo chế độ chính sách theo quy định.
Ông Chấn cho rằng, việc phân công giáo viên dạy thêm giờ năm học 2022-2023 là do Trường Canh Thuận tự ý thực hiện, không báo cáo chi tiết để trình Phòng GDĐT huyện theo quy định.
Khi được hỏi về việc Trường Canh Thuận tự tổ chức cuộc họp "Hội đồng động viên tập thể giáo viên cùng nhau đồng lòng chia sẻ bớt phần nào kinh phí thêm giờ năm học 2022-2023, chỉ nhận tiền thừa giờ tiết dạy, không nhận tiền chi trả các nhiệm vụ kiêm nhiệm, chế độ giảm định mức tiết dạy và tiết quy đổi", sau đó áp dụng vào chi trả chế độ cho giáo viên có phù hợp với quy định không, thì ông Chấn không trả lời mà "chỉ thẳng" về trường.
Ông Chấn nói thêm: "Giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên thì không thể áp dụng tiết kiệm thu chi để cắt xén chế độ anh em, phải giải quyết đúng, đủ, chứ không phải bắt người ta làm mà không chi trả".
Tiền chế độ liên tục biến động là do trường
Tại buổi làm việc, Thanh tra huyện Vân Canh cho biết, sau khi Báo Lao Động phản ánh, đơn vị này đã vào cuộc xác minh, báo cáo và đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Vân Canh giải quyết đơn đề nghị của các giáo viên.
Việc số tiền chi trả thêm giờ liên tục biến động (từ 315 triệu đồng xuống còn hơn 66 triệu đồng) là do Trường Canh Thuận tự điều chỉnh, cân đối sau khi UBND huyện đề nghị rà soát, tiết giảm các nhiệm vụ chi chưa phù hợp, không thật sự cần thiết trong năm học 2022-2023.
Và việc Trường Canh Thuận xin cấp tạm ứng là 215 triệu đồng để xử lý trả nợ tiền dạy thêm giờ, nhưng thực chi chỉ hơn 66 triệu cũng là do nhà trường tự chi. Đối với số kinh phí xin cấp tạm ứng còn thừa (khoảng 149 triệu đồng) sau khi thực hiện chi trả, Trường Canh Thuận sẽ nộp lại cho ngân sách huyện.
Trả lời thêm về nội dung này, ông Lương Đình Tiên - Chủ tịch UBND huyện Vân Canh - cho biết, về đề nghị tạm ứng kinh phí của trường, trách nhiệm của huyện là cho tạm ứng để trường chi trả chế độ cho giáo viên.
"Trường đề nghị số tiền 315 triệu đồng là việc của trường, huyện chưa thanh tra, kiểm tra. Sau khi huyện có đề nghị, trường đã rà soát lại và xin tạm ứng số tiền khác. Đến khi thanh tra vào cuộc, trường tiếp tục điều chỉnh số tiền theo đúng hồ sơ, thủ tục chi.
Trường không báo cáo kế hoạch phân công dạy thêm giờ của các giáo viên, dẫn đến không có chứng từ chứng minh việc giáo viên dạy thêm giờ, nên không thể chi. Khi yêu cầu bổ sung chứng từ thì nhà trường không bổ sung được, nên việc số tiền thực chi thêm giờ xuống còn 66 triệu đồng là do nhà trường", ông Lương Đình Tiên cho hay.
Về việc vẫn có giáo viên “trắng tay” khi Trường Canh Thuận đã thực hiện chi trả chế độ thêm giờ, ông Lương Đình Tiên cho rằng, phía nhà trường phải có báo cáo cụ thể từng trường hợp giáo viên không nhận được tiền, lúc đó huyện mới kiểm tra, giải quyết được.
https://laodong.vn/cong-doan/no-che-do-giao-vien-binh-dinh-trach-nhiem-chay-ve-truong-1396092.ldo