Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
Trong khi đó, Điều 94 dự thảo 5 Luật Việc làm quy định:
Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 81 Luật này theo quy định của pháp luật trừ một trong các trường hợp sau:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức;
b) Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức;
c) Người lao động hưởng lương hưu;
d) Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Ông Vũ Hồng Quang – Phó trưởng ban Chính sách – pháp luật (Tổng LĐLĐVN) cho rằng, các đối tượng như người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức hay người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là phù hợp.
Bởi, theo ông Quang, những trường hợp này, người lao động vi phạm nội quy lao động, kỉ luật lao động, gây ảnh hưởng đến quản trị, lợi ích của người sử dụng lao động thì việc không quy định cho họ được quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định là biện pháp trừng phạt, để người lao động có ý thức hơn trong quá trình làm việc.
“Khi tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Việc làm, chúng tôi vẫn phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động cũng như công tác quản lý nhà nước về việc làm” – ông Quang cho biết.
Theo quy định tại dự thảo 5, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chỉ cần việc chấm dứt không trái pháp luật. Đối với trường hợp người lao động bị sa thải khó tìm việc làm mới do người sử dụng lao động mới coi “sa thải” như một lý lịch không tốt để từ chối nhận người lao động vào làm việc, ông Quang cho rằng, cần thiết phải xây dựng quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này, có thể nghiên cứu quy định cho phép họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đầy đủ bằng chứng về việc bị từ chối nhận việc vì lý do đã bị sa thải, buộc thôi việc ở doanh nghiệp, đơn vị trước đó.
Ông Quang cũng cho rằng, về góc độ việc làm, cần thiết có quy định hoặc cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động liên quan đến vấn đề người lao động đã bị sa thải, buộc thôi việc trước đó.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, quy định về đối tượng nghỉ hưu, đủ điều kiện hưởng lương hưu không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là phù hợp, vì cơ bản những đối tượng này không “thất nghiệp”, họ cũng có khoản thu nhập từ lương hưu để hỗ trợ đảm bảo cuộc sống.
https://laodong.vn/cong-doan/nhung-truong-hop-khong-duoc-huong-tro-cap-that-nghiep-1395240.ldo