Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 03:41 21/09/2023 (GMT+7)
Nên thống nhất đóng Bảo hiểm xã hội 30-35 năm được nhận lương hưu

Trước đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có đề xuất cho lao động đóng trên 30-35 năm bảo hiểm xã hội được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định mà vẫn hưởng tối đa 75% lương hưu. Ghi nhận ý kiến của người lao động và bạn đọc gửi đến Báo Lao Động, đa số đều đồng tình với đề xuất này.

Ủng hộ đề xuất này, chị Lưu Thị Anh (32 tuổi) - công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cho biết, 18 tuổi chị đã làm công nhân. Nếu đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm, lúc đó chị mới 48 tuổi, phải làm việc thêm 11-12 năm nữa mới được nghỉ hưu.

Theo chị Anh, ở độ tuổi ngoài 40, công nhân trực tiếp rất dễ bị sa thải, khó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu.

Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội 30-35 năm được hưởng lương hưu tối đa được nhiều lao động ủng hộ. Ảnh: Minh Hương.
Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội 30-35 năm được hưởng lương hưu tối đa được nhiều lao động ủng hộ. Ảnh: Minh Hương.

"Tôi thấy đề xuất trên hoàn toàn hợp lý, sau khi người lao động nghỉ hưu họ vẫn có thể làm những công việc bên ngoài, đóng góp cho chính bản thân, gia đình, xã hội theo cách nào đó" - chị Anh nói.

Anh Hoàng Văn Trường - công nhân một công ty về lĩnh vực thiết bị vệ sinh ở Hà Nội chia sẻ, anh đóng bảo hiểm xã hội từ năm 20 tuổi, hiện tại đã 41 tuổi.

Đề xuất được hưởng lương hưu mà không cần đợi tuổi hưu khi đóng đủ 30-35 năm cả nam và nữ là rất hợp lý. Điều này vừa khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm xã hội càng sớm càng tốt (để nghỉ hưu sớm) vừa tạo cơ hội cho người lao động trẻ có được việc làm sớm.

Bên cạnh đó, anh Trường cho rằng cần phải xem xét lại cách tính lương hưu của người lao động khối doanh nghiệp.

"Cách tính lương hưu cho người lao động tôi không thấy sự công bằng với họ khi lấy toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm để tính lương bình quân cho lương hưu, chứ không phải mức lương bình quân 5 năm hay 10 năm cuối như người Nhà nước hiện tại" - anh Trường nói và giải thích, những năm đầu đóng bảo hiểm lương rất thấp, nếu tính bình quân cả quá trình vậy lương hưu của người lao động sẽ thấp.

Theo ý kiến của người lao động, ý kiến trên sẽ khuyến khích họ đóng bảo hiểm xã hội càng sớm càng tốt. Ảnh: Minh Hương.
Theo ý kiến của người lao động, ý kiến trên sẽ khuyến khích họ đóng bảo hiểm xã hội càng sớm càng tốt. Ảnh: Minh Hương.

"Tôi nghĩ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người lao động không mặn mà với lương hưu mà lựa chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần" - anh Trường cho biết.

Đồng tình với đề xuất trên, bạn đọc Trinh Phi cho rằng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên đồng ý cho người lao động được hưởng lương hưu khi đã đóng đủ 30 - 35 năm theo bảo hiểm xã hội quy định.

Đối với người lao động, họ rất thiệt thòi vì khi nghỉ thì bảo hiểm xã hội tính bình quân lương từ khi bắt đầu đi làm cho đến khi nghỉ hưu. Nhưng đối với công chức Nhà nước lại được tính bình quân 5 năm cuối. Vì vậy, nên thống nhất đóng đủ thời gian 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam được hưởng hưu không cần quy định tuổi nghỉ hưu đối với người lao động tại các doanh nghiệp.

Bạn đọc Phạm Thế Mạnh cho hay, người đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội cũng ở độ tuổi khoảng 54-55. Họ nên có quyền được chọn nghỉ hưu hoặc tiếp tục tham gia bảo hiểm. Theo tôi, với lao động nghỉ hưu sớm, mỗi năm sẽ bị trừ tương ứng với những người đóng thừa số năm hoặc có thể trừ tối đa 1% 1 năm.

Theo quy định hiện nay, người nghỉ hưu sớm bị trừ 2% lương hưu 1 năm như vậy là quá nhiều. Ngoài ra, mức bình quân tính lương hưu cũng nên đồng đều cho cả khối tư nhân và Nhà nước, tôi nghĩ như vậy sẽ hạn chế được tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

https://laodong.vn/ban-doc/nen-thong-nhat-dong-bao-hiem-xa-hoi-30-35-nam-duoc-nhan-luong-huu-1243465.ldo

MINH HƯƠNG (Báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: