Nhảy việc ngay sau Tết
Ngay sau Tết Nguyên đán, Phạm Quỳnh Anh (25 tuổi) - nhân viên văn phòng tại quận Đống Đa (Hà Nội) - quyết định nhảy việc. Lý do Quỳnh Anh đưa ra là mức lương không đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
“Em tìm công việc có mức đãi ngộ cao hơn, phù hợp với năng lực và định hướng phát triển bản thân. Em mới 25 tuổi, tính hướng ngoại nhưng công việc văn phòng khá tẻ nhạt. Em sẽ tìm công việc năng động, giao tiếp nhiều và ưu tiên di chuyển nhiều”, Quỳnh Anh nói.
Quỳnh Anh cũng cho hay, không sợ đối diện sự cạnh tranh lớn của thị trường lao động vì biết sau Tết thường có “làn sóng” nghỉ việc, đặc biệt ở những người trẻ.
“Em nghĩ có năng lực và khát vọng, đam mê thì không sợ thất nghiệp”, Quỳnh Anh khẳng định.
Phạm Ngọc Hưng quê ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) cũng quyết định nghỉ việc ngay sau Tết. Ngọc Hưng làm việc trong lĩnh vực truyền thông, nhận thấy công việc không có tương lai nên đi đến quyết định từ cuối năm 2024 sẽ nghỉ việc ngay sau kỳ nghỉ Tết.
“Em gắn bó với công ty cũ 2 năm, công việc này không còn phù hợp với định hướng phát triển của bản thân. Em cũng không tìm thấy niềm vui trong công việc, mỗi ngày đi làm rất mệt mỏi, uể oải. Em quyết định tìm một cơ hội khác để phát huy năng lực bản thân" - Ngọc Hưng tâm sự.
Ngọc Hưng tự cho bản thân 1 tháng tìm việc tại Hà Nội. Nếu không có công việc ưng ý, Ngọc Hưng sẽ vào TP. Hồ Chí Minh theo lời rủ của nhóm bạn thân.
“TP. Hồ Chí Minh có môi trường năng động, nhiều cơ hội việc làm với ngành nghề của em. Em muốn cho bản thân nhiều cơ hội hơn để sau này không hối tiếc”, Ngọc Hưng hào hứng nói.
Chủ động để có việc làm tốt
Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - cho hay, thay đổi công việc để có công việc phù hợp hơn với khả năng, năng lực và điều kiện của bản thân, gia đình; có thu nhập tốt hơn; môi trường làm việc tốt hơn... là mong muốn của nhiều người lao động.
“Tuy nhiên, để nhảy việc, người lao động cần quan tâm, đánh giá đến năng lực và khả năng đáp ứng nhu cầu của đòi hỏi của công việc; tìm kiếm các thông tin tin cậy, nhu cầu tuyển lao động của các nhà tuyển dụng, tốt nhất là thông qua các tổ chức dịch vụ việc làm hoặc từ các nhà tuyển dụng trực tiếp; xem xét kỹ tất cả các điểm được và mất khi chuyển sang công việc mới, công việc mới lương cao, chế độ tốt chưa chắc đã tốt hơn công việc đang làm, kể cả phương án xấu nhất là mất việc; trao đổi trực tiếp chi tiết tất cả các vấn đề liên quan đến công việc mới để cân nhắc, quyết định chuyển việc; trách những chiêu trò lừa đảo, gian dối bằng nhiều hình thức”, ông Trung khuyến cáo.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, những năm gần đây, sau kỳ nghỉ Tết, thị trường lao động thường có sự khởi sắc khi nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực gia tăng. Nhiều doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng ngay từ đầu năm để chủ động nhân lực sản xuất.
Theo ông Thành, ngay sau Tết Nguyên đán 2024, phiên giao dịch việc làm vệ tinh kết nối 9 tỉnh phía Bắc đã có gần 50.000 vị trí việc làm ở mọi lĩnh vực và ngành nghề. Như vậy, cơ hội việc làm cho người lao động rất rộng mở. Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2025, các phiên giao dịch việc làm cũng khá sôi động.
“Thị trường lao động đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực. Người lao động cần lưu ý khi quyết định nhảy việc, chủ động lên kế hoạch để đảm bảo có công việc gối đầu, không ảnh hưởng thu nhập” - ông Thành nói.
https://laodong.vn/cong-doan/loi-khuyen-cua-chuyen-gia-voi-lao-dong-nhay-viec-sau-tet-1457661.ldo