Đưa võ cổ truyền vào dạy chính khóa là phù hợp?
UBND TP Quy Nhơn xác định, năm học 2022-2023, ông Nguyễn Văn Xuân - giáo viên Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn) đã dạy 700 tiết, thiếu 3 tiết so với định mức nên không đủ điều kiện thanh toán tiền lương dạy thêm giờ (TLDTG).
UBND TP Quy Nhơn cho rằng, các nhiệm vụ như: Hội họp, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, quản lý học sinh... là nhiệm vụ mà ông Xuân phải làm, không thuộc các hoạt động được quy đổi ra tiết dạy.
Đồng thời khẳng định là không có việc nhà trường yêu cầu nhóm giáo viên thể dục dạy võ cổ truyền (VCT) Bình Định vào đầu giờ các buổi học, thể dục giữa giờ… nhưng không bố trí cho ký vào sổ đầu bài như ông Xuân phản ánh.
Về dạy VCT trong năm học 2016-2017 và 2017-2018, ông Xuân thực hiện 103 tiết (2016-2017 là 49 tiết; 2017-2018 là 54 tiết). Năm học 2015- 2016 không có tài liệu nào xác định nhà trường hoặc giáo viên tổ chức dạy VCT ngoại khóa. Do đó, không có việc ông Xuân dạy 162 tiết VCT ngoại khóa từ năm 2015 đến 2018.
Năm học 2018-2019 và 2019-2020, nhà trường tổ chức dạy VCT thay cho nội dung thể thao tự chọn (chính khóa) dựa trên kế hoạch mà tổ chuyên môn đã xây dựng, cùng đề nghị của nhóm giáo viên dạy Thể dục và được nhà trường đồng ý. Nên không tổ chức dạy VCT ngoại khóa, vì vậy các tiết thể thao tự chọn (TTTC) được tính như tiết dạy thông thường, không quy đổi.
UBND TP Quy Nhơn cũng khẳng định, việc đưa VCT Bình Định dạy thay nội dung TTTC là phù hợp, đúng quy định theo hướng dẫn tại Công văn số 1716/SGDĐT-GDTrH ngày 9.10.2009 của Sở GDĐT Bình Định về việc phân phối chương trình THCS, THPT năm học 2009-2010 (viết tắc là Công văn số 1716), không có việc nhà trường tự ý thay đổi chương trình do Bộ GDĐT quy định.
"Công văn số 1716 hướng dẫn: Ngoài 4 môn được biên soạn trong chương trình và sách giáo viên là đá cầu, bóng đá, bóng chuyền và bơi thì trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Thể dục quy định môn đá cầu là môn dạy chính khóa (bắt buộc).
Do đó, giáo viên có thể lựa chọn môn ném bóng xa đưa vào phần TTTC với thời lượng là 12 tiết hoặc môn thể thao khác theo sự chỉ đạo của Phòng GDĐT, nhằm phát triển các môn thể thao địa phương và phù hợp với điều kiện của nhà trường, trên nguyên tắc: Giáo viên biên soạn chương trình bảo đảm thời lượng, nội dung vừa sức được nhà trường, Phòng GDĐT đồng ý trước khi thực hiện", UBND TP Quy Nhơn nêu trong báo cáo.
Mâu thuẫn từ kết luận
Cũng trong báo cáo xác minh nội dung phản ánh của Báo Lao Động, UBND TP Quy Nhơn có xác nhận, việc nhà trường triển khai VCT Bình Định vào dạy ở nội dung TTTC nhưng không báo cáo Phòng GDĐT TP Quy Nhơn trước khi thực hiện là chưa thực hiện đúng hướng dẫn tại Công văn số 1716.
Việc nhà trường không tổ chức dạy VCT Bình Định ngoại khóa là chưa thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT Bình Định và Phòng GDĐT thành phố về việc triển khai Chương trình đưa VCT Bình Định vào trường học theo Chỉ thị số 03/CT-UBND của UBND tỉnh.
Từ 2 nội dung này cho thấy, việc đưa VCT Bình Định vào dạy ở nội dung TTTC là chưa thể hợp lý như cách UBND TP Quy Nhơn đã khẳng định ở trên. Bởi theo Công văn số 1716, việc lựa chọn môn VCT đưa vào phần TTTC phải được Phòng GDĐT đồng ý trước khi thực hiện. Thế nhưng đằng này, nhà trường lại không báo cáo.
Vậy nên, việc UBND TP Quy Nhơn kết luận rằng nhà trường đưa VCT vào dạy ở nội dung TTTC trong năm học 2018-2019 và 2019-2020 là phù hợp, liệu đã đúng theo nguyên tắc mà Công văn số 1716 hướng dẫn?
Cần làm rõ việc nhà trường và tổ chuyên môn tự ý thống nhất đưa VCT vào dạy ở nội dung TTTC khi chưa báo cáo Phòng GDĐT TP Quy Nhơn, không tổ chức dạy VCT ngoại khóa, khiến các tiết TTTC được tính như tiết dạy thông thường, không quy đổi.
Và cần phải xem lại việc UBND TP Quy Nhơn kết luận "không có việc nhà trường tự ý thay đổi chương trình do Bộ GDĐT quy định" đã xác đáng hay chưa?
Sẽ rút kinh nghiệm
UBND TP Quy Nhơn cho biết, thời gian tới sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây khẩn trương rà soát số tiết giảng dạy môn Thể dục và số tiết dạy VCT các năm học của giáo viên, thực hiện giải quyết chế độ TLDTG nếu xác định số tiết vượt định mức.
Tổ chức rút kinh nghiệm trong việc rà soát, báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời đối với vướng mắc về chế độ chính sách của viên chức; tổ chức rút kinh nghiệm đối với tập thể viên chức quản lý và các viên chức có liên quan trong triển khai và thực hiện các quy định về chuyên môn, chế độ chính sách...
https://laodong.vn/cong-doan/giao-vien-to-bi-cat-xen-che-do-nhieu-mau-thuan-can-lam-ro-1416392.ldo