Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 10:11 10/11/2024 (GMT+7)
Giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm 5 tuổi không bị trừ lương hưu

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhất trí quy định giáo viên mầm non công lập có thể nghỉ hưu sớm không quá 5 tuổi so với quy định không bị trừ lương hưu.

Sáng 9.11, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày tờ trình thẩm tra về Luật Nhà giáo tại Quốc hội.

Về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban nhất trí với quy định trong dự thảo Luật và cho rằng đây là nội dung quan trọng, cần thiết để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Cùng với đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, thu hút nhà giáo như quy định tại dự thảo Luật.

https://laodong.vn/ban-doc/che-do-cua-nu-sinh-nam-1970-nghi-huu-som-trong-nam-2024-1410073.ldo
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày tờ trình thẩm tra về Luật Nhà giáo. Ủy ban nhất trí quy định giáo viên mầm non công lập có thể nghỉ hưu sớm không quá 5 tuổi so với quy định không bị trừ lương hưu. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách tiền lương; cân nhắc việc quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập; không quy định lại chính sách thuê nhà công vụ đã được quy định trong Luật Nhà ở; đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm khả thi, nhất là về nguồn lực thực hiện đối với chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể cho nhà giáo khi đến công tác tại vùng nông thôn.

Về chế độ nghỉ hưu của nhà giáo, Ủy ban nhất trí quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 5 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động kỹ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này.

Về đào tạo, bồi dưỡng, Ủy ban cơ bản tán thành quy định về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, không phân biệt nhà giáo khu vực công lập và khu vực ngoài công lập. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chi trả kinh phí bồi dưỡng đối với nhà giáo khi được cử tham gia các chương trình bồi dưỡng.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng tán thành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về nhà giáo và cho rằng, đây là chính sách mới, tạo điều kiện để ngành Giáo dục chủ động trong việc điều động, luân chuyển, sắp xếp giáo viên giữa các địa bàn; khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên.

Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc giao thẩm quyền cho các cơ quan này trong việc chủ trì, phối hợp điều phối nhà giáo công tác trong trường của lực lượng vũ trang nhân dân.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các chính sách mới, nhất là các điều kiện về nguồn lực tài chính để bảo đảm tính khả thi; nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật về nhà giáo, tham khảo các chính sách, pháp luật đối với nhà giáo để hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

https://laodong.vn/giai-dap-phap-luat/giao-vien-mam-non-nghi-huu-som-5-tuoi-khong-bi-tru-luong-huu-1419117.ldo

Tất Thảo (BÁO LAO ĐỘNG)

Tất Thảo

In
Về đầu
Lượt truy cập: