Tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Cơ hội lớn để Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ
Tham gia Hiệp định CPTPP sẽ tác động sâu sắc đến lao động-việc làm và đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN). Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Ban Biên tập Cổng thông tin Công đoàn VIệt Nam giới thiệu nội dung phỏng vấn ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trên báo Quân đội Nhân dân.
Phóng viên (PV): Thưa ông, bước đầu lộ trình thực hiện các cam kết của Hiệp định CPTPP về lao động, công đoàn sẽ diễn ra như thế nào?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Theo cam kết, kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (14-1-2019) Việt Nam có 3 năm để việc hoàn thiện hệ thống pháp luật; 5 năm để thành lập tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) tại cơ sở và 7 năm đối với việc thực hiện quyền liên kết. Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và chuẩn bị các điều kiện nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho NLĐ. Để thực hiện những cam kết trong hiệp định, Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12-11-2018 của Quốc hội khóa XIV, nêu rõ: Sửa đổi, bổ sung Chương XIII Bộ luật Lao động năm 2012 về công đoàn theo hướng cho phép thành lập tổ chức đại diện của NLĐ không thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam; bổ sung vào Chương V, Chương XIII và Chương XIV của Bộ luật Lao động năm 2012 liên quan công đoàn, tổ chức đại diện NLĐ, quyền đối thoại tại nơi làm việc, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công. Rà soát, xem xét sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 sau khi Bộ luật Lao động được sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24-1-2019 phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, trong đó xác định giải pháp để thực hiện chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của NLĐ tại cơ sở doanh nghiệp.
PV: Những cam kết của Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã ký kết sẽ tác động như thế nào đến lao động-việc làm, thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Việc gia nhập Hiệp định CPTPP đem lại nhiều cơ hội mới về việc làm cho NLĐ. Một số ngành được hưởng lợi lớn về việc làm là dệt may, thương mại và các ngành công nghiệp nhẹ. Những cam kết trong CPTPP mà cốt lõi là cắt giảm hàng rào thuế quan, thực hiện nguyên tắc tự do bình đẳng trong thương mại mở ra việc tiếp cận thị trường một cách toàn diện, bảo đảm sự dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội mới cho NLĐ và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi hội nhập sẽ phải bảo đảm phân phối thu nhập của NLĐ một cách hài hòa. Bên cạnh đó, những yêu cầu cao về tiêu chuẩn quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Những hoạt động này giúp NLĐ sẽ có cơ hội hưởng lợi nhiều hơn trong một môi trường làm việc tốt hơn. Tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới; thu hút đầu tư, hợp tác với các nước thành viên, nhằm hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội để nâng chất lượng lao động, tăng việc làm, tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng.
Tuy nhiên, dưới tác động của hiệp định, sự phân hóa tiền lương sẽ diễn ra nhiều hơn, đặc biệt giữa các doanh nghiệp FDI, giữa lao động có trình độ cao và trình độ thấp. Điều này đặt ra thách thức cần điều chỉnh trong các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề và an sinh xã hội. Cùng với đó, khi tham gia CPTPP cạnh tranh tăng lên có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Không những thế, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào cơ cấu sản phẩm sản xuất sẽ tác động mạnh tới cơ hội việc làm khi nguồn nhân lực của ta chất lượng chưa cao trong bối cảnh dịch chuyển lao động thế giới diễn ra mạnh mẽ.
PV: Theo ông, từ những tác động nêu trên, CĐVN sẽ có những cơ hội gì?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Việt Nam gia nhập CPTPP góp phần tăng nhanh số lượng lao động và các doanh nghiệp, đây sẽ là nguồn phát triển đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) và thành lập công đoàn cơ sở dồi dào cho tổ chức CĐVN. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn, quan hệ lao động phức tạp hơn, NLĐ sẽ có nhu cầu được tổ chức công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức CĐVN tập hợp, vận động NLĐ tham gia vào tổ chức của mình. Hiệp định CPTPP có hiệu lực là cơ hội cho tổ chức CĐVN tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động để có thể thu hút, tập hợp NLĐ về tổ chức mình. Tham gia Hiệp định CPTPP đòi hỏi hệ thống pháp luật nước ta phải hoàn thiện, phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế. Trong đó, những quy định về quyền và nghĩa vụ không chỉ của NLĐ mà còn của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động phải minh bạch và bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sẽ giúp công đoàn hoạt động được thuận lợi hơn, phát huy được vai trò và thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn.
PV: Khi thực thi Hiệp định CPTPP, CĐVN sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức nào, thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Với việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, chúng tôi nhận thức thời gian tới CĐVN vừa phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện NLĐ khác để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên, vừa phải giữ vững vị trí, vai trò là tổ chức chính trị-xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Nhiều chuyên gia và cán bộ công đoàn khẳng định sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, trực tiếp tác động đến CĐVN trên các vấn đề sau:
Thứ nhất, vấn đề cạnh tranh và thu hút ĐVCĐ là điều tất yếu sẽ xảy ra với CĐVN và các tổ chức đại diện NLĐ được thành lập ở doanh nghiệp. CĐVN có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên, môi trường hoạt động công đoàn cũng thay đổi lớn.
Thứ hai, một số đối tượng không thiện chí, phản động đang quan tâm, lợi dụng để bôi nhọ, nói xấu, hạ thấp vai trò và phá hoại CĐVN.
Thứ ba, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở ngoài tổ chức hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, pháp luật, có thể xuất hiện những tổ chức “đội lốt”, có các hoạt động chống phá doanh nghiệp, chống phá CĐVN và Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
Thứ tư, khả năng tình hình quan hệ lao động diễn biến phức tạp hơn, cạnh tranh công đoàn diễn ra, có nơi gay gắt; một bộ phận NLĐ có thể bị chia rẽ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động gây mất ổn định chính trị hoặc gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp.
Thứ năm, nguồn lực bảo đảm cho hoạt động của CĐVN có nguy cơ bị giảm sút, nguồn thu tài chính của các cấp công đoàn có thể bị giảm mạnh...
PV: Để thực hiện tốt chức năng của mình trong điều kiện Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, CĐVN cần chú trọng vấn đề gì, thưa đồng chí?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Thời gian tới, CĐVN sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn, thực chất công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ công đoàn về nội dung cam kết cụ thể trên lĩnh vực lao động và công đoàn cũng như các công việc cần triển khai, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng, giúp việc thực thi hiệp định trong hệ thống công đoàn được đầy đủ và hiệu quả. Công đoàn các cấp sẽ tổ chức nhiều hơn các hình thức để phát huy vai trò của cán bộ, ĐVCĐ, NLĐ, các nhà khoa học nghiên cứu về lao động và công đoàn… tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến lao động và công đoàn trong Hiệp định CPTPP theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội ngày 12-11-2018. Đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể nhằm củng cố, nâng cao vị thế và hiệu quả hoạt động của CĐVN và quản lý có hiệu quả sự ra đời và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tập trung phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở những doanh nghiệp có đông NLĐ, tình hình quan hệ lao động phức tạp.
CĐVN sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chăm lo, bảo đảm phúc lợi tốt nhất cho ĐVCĐ, NLĐ, giúp NLĐ có thêm nhiều quyền lợi về vật chất, tinh thần, để tin tưởng tham gia và gắn bó với tổ chức công đoàn. Phát huy vai trò của công đoàn trong việc hỗ trợ, giúp NLĐ ký kết hợp đồng lao động; đại diện lấy ý kiến, thương lượng và ký kết, giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Làm tốt công tác đối thoại để giải quyết các vấn đề NLĐ bức xúc, quan tâm. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật, đại diện, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ tại tòa án và các cơ quan hành chính khác. Quan tâm hỗ trợ NLĐ có việc làm bền vững, thu nhập ngày càng cao, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cả về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp công tác, tư duy mới, cách làm mới, sâu sát với cơ sở, gắn bó với NLĐ, có sức thu hút, thuyết phục đoàn viên, NLĐ. Tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng sát thực tiễn, xuất phát từ NLĐ, hướng mạnh về cơ sở, hỗ trợ cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động.
Mặc dù có nhiều thách thức, song CĐVN xác định: Biến thách thức thành cơ hội, qua đó đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của CĐVN. Tôi tin rằng, với truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng quyết tâm sắt đá của những cán bộ CĐVN đầy bản lĩnh và trí tuệ, với niềm tin yêu và nỗ lực không ngừng của ĐVCĐ, NLĐ, chắc chắn rằng CĐVN sẽ vượt qua thách thức, có bước phát triển mới trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
QUANG THẮNG/BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN