Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khai mạc Hội nghị.
Theo chương trình, tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch sẽ cho ý kiến vào 14 nhóm nội dung. Trong đó có: Tờ trình về dự thảo Quy định khung về mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Tờ trình về dự thảo Quy định về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách làm việc tại cơ sở; Tờ trình đề xuất ban hành Kế hoạch triển khai Đề án thí điểm mô hình công đoàn ngành tập trung, xuyên suốt, hiệu quả; Tờ trình Đề án thí điểm xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có đông đoàn viên; Tờ trình báo cáo đánh giá kết quả 15 năm triển khai Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ ngày 7.3.2008 của Ban Chấp hành TLĐ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28.1.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”…
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, về Quy định khung mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, việc phân công nhiệm vụ giữa công đoàn ngành, nghề toàn quốc và LĐLĐ tỉnh, thành phố được ban hành theo Quyết định 1461 ngày 26.11.1996. Sau gần 30 năm thực hiện, công tác phối hợp giữa công đoàn ngành Trung ương và Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, quá trình chỉ đạo hoạt động Công đoàn cơ sở giữa Công đoàn ngành Trung ương và Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố còn một số chồng chéo, bất cập.
Để tăng cường trách nhiệm, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn, bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo hoạt động công đoàn cùng ngành nghề từ Trung ương đến cơ sở, có sự phối hợp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trong tổ chức, quản lý, giải quyết các vấn đề liên quan tới quan hệ lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo Ban Tổ chức nghiên cứu, xây dựng Quy định khung về mối quan hệ phối hợp giữa Công đoàn ngành Trung ương với Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trong công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn theo ngành nghề.
Về Quy định về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách làm việc tại công đoàn cơ sở, hiện tại, việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại công đoàn cơ sở đang áp dụng theo 2 văn bản: Quyết định 395 năm 2002 và Quyết định 1671 năm 2014. 2 văn bản này được ban hành tại 2 thời điểm khác nhau, đến nay, có một số điểm không còn phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế. Do đó, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho ý kiến vào các nội dung dự thảo.
Về định mức, nguyên tắc bố trí chuyên trách công đoàn, số chuyên trách công đoàn tối đa làm việc tại 1 công đoàn cơ sở; về thẩm quyền, tiền lương, chế độ nâng lương , định mức trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách.
Để chủ động và tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Ất Tỵ 2025, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo Ban Quan hệ Lao động sớm xây dựng kế hoạch. So với những năm trước, năm nay, có nhiều nội dung đa dạng, thiết thực, với mong muốn mang lại nhiều nhất phúc lợi cho đoàn viên và người lao động. Từ thực tiễn sinh động tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động ở từng địa phương, ngành, đơn vị, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị cho ý kiến vào các nội dung trong dự thảo để Đoàn Chủ tịch hoàn thiện, ban hành thực hiện.
Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày mùng 6 đến hết sáng mùng 7/9/2024.