Chị Phương Anh đóng gói những món đồ cũ để gửi cho khách. Ảnh: Ngọc Linh
Mua sắm diện Tết, hết mùa lại ''thanh lý'' ngay
Sau Tết, xu hướng thanh lý đồ dùng để tiết kiệm chi phí đang ngày càng trở nên phổ biến.
Nhiều người tận dụng các nền tảng trực tuyến để bán lại những món đồ ít sử dụng, vừa tối ưu tài chính, vừa tạo cơ hội cho người khác sở hữu món đồ chất lượng với giá phải chăng.
Chị Nguyễn Phạm Phương Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Cuối năm, mình sắm khá nhiều quần áo mới để diện Tết, nhưng thực tế chỉ mặc một lần để chụp ảnh. Sau Tết, mình quyết định thanh lý bớt, vừa để thu hồi một phần chi phí, vừa giúp người khác mua được đồ mới với giá hợp lý hơn".
Những món đồ hay được chị Phương Anh lựa chọn để thanh lý là quần áo, mỹ phẩm... Ảnh: Ngọc Linh
Không chỉ quần áo, nhiều vật dụng cá nhân và đồ trang trí nhà cửa như đèn nháy, cây cảnh... cũng được rao bán sau Tết khi không còn phù hợp với không gian sống.
Anh Đinh Quốc Đại (Hà Nội) chia sẻ: "Mình thanh lý cả quần áo, giày, phụ kiện và túi xách. Dù chỉ thu về một nửa giá ban đầu, nhưng như vậy vẫn tốt hơn là không dùng đến".
Anh Quốc Đại cho rằng thanh lý những món đồ cũ sau Tết là một giải pháp tiết kiệm tốt. Ảnh: Ngọc Linh
Đối với nhiều bạn trẻ, xu hướng "mua rồi thanh lý" không chỉ giúp cân đối tài chính cá nhân mà còn giúp tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm và khuyến khích lối sống tiết kiệm, bền vững.
Chị Nguyễn Trang Thảo (Hà Nội) chia sẻ: "Mình đăng bán trên các hội nhóm Facebook, chụp ảnh rõ nét, giá hợp lý. Chỉ sau một tuần, hơn nửa số đồ đã có chủ mới".
Chị Trang Thảo lựa chọn đăng bài trong các hội nhóm. Ảnh: Huyền Trang
Mua sắm rồi thanh lý - xu hướng tiện ích hay lãng phí?
Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội - cho rằng, thay vì đợi sau Tết để thanh lý quần áo dư thừa, giới trẻ nên rèn thói quen tiết kiệm ngay từ trước Tết.
Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, thói quen mua sắm quá mức dịp Tết bắt nguồn từ quán tính tâm lý thời bao cấp – khi hàng hóa khan hiếm – và quan niệm "giàu ba ngày Tết".
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, điều này trở nên lãng phí khi dịch vụ phát triển và nguồn cung hàng hóa dồi dào hơn.
Vì vậy người trẻ nên lựa chọn tiêu dùng hợp lý, thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân, ưu tiên những sản phẩm chất lượng và có giá trị lâu dài.