Doanh nghiệp né nghĩa vụ bảo hiểm thất nghiệp
Tháng 3.2024, lần đầu tiên, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Tuy Hòa (Phú Yên) phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Công ty TNHH TMSX Thuận Thông về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) cho người lao động (NLĐ), quy định tại điểm b khoản 5 Điều 216 Bộ luật Hình sự. Tổng số tiền doanh nghiệp này trốn đóng của NLĐ là hơn 400 triệu đồng. Việc trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của doanh nghiệp này kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của hàng chục NLĐ đã gắn bó với doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Hoàn (tên nhân vật đã thay đổi), làm việc tại doanh nghiệp du lịch ở TP Nha Trang gần 30 năm, từ khi có chính sách BHTN ông đã tham gia. Tuy nhiên, năm 2020 dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với ông và nhiều lao động khác. Trong quyết định chấm dứt hợp đồng lao động có phần trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa nhận được quyền lợi này vì doanh nghiệp đã đổi chủ.
Đây là 2 ví dụ điển hình khi các doanh nghiệp, đơn vị tìm cách né BHTN của NLĐ thời gian qua. Tại cuộc tiếp xúc cử tri công nhân lao động với Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, nhiều NLĐ đã phản ánh bị treo quyền lợi về BHTN do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn… Trong khi đó, Luật Việc làm chưa có quy định cụ thể để giải quyết vấn đề nêu trên.
Cần có quỹ dự phòng cho BHTN
Theo chị Huỳnh Thị Huyền - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành ORJ (Phú Yên), thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì vấn đề BHTN cho NLĐ sẽ bị xếp vào mức độ quan tâm ít hơn vì chế tài xử lý nội dung này không đủ sức nặng. Có trường hợp doanh nghiệp cố tình không tính đến trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ dù thực tế hằng tháng NLĐ vẫn bị trừ trong lương 1% BHTN theo quy định. Tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây giữa đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cử tri đã đề nghị nghiên cứu, xây dựng quy định về BHTN tự nguyện, đảm bảo đồng bộ với các chế độ tự nguyện khác của BHXH. Điều này một mặt giúp tăng quỹ BHTN, một mặt nâng cao tính nhân văn của BHTN trong hỗ trợ rủi ro về việc làm, phát triển việc làm.
Thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, trong quý II/2024, toàn tỉnh có 4.029 người hưởng trợ cấp thất nghiệp. 5 nhóm ngành đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (23,63%), hoạt động dịch vụ khác (17,52%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (12,73%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (6,30%), giáo dục và đào tạo (5,93%). Nhóm nghề đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất là người quét dọn và giúp việc gia đình, khách sạn và văn phòng (3,43%), nhân viên bán hàng (3,97%), giáo viên dạy nghề (4,82%), thợ may thêu và các thợ có liên quan (5,98%), nghề nghiệp khác (67,19%). Về độ tuổi hưởng trợ cấp thất nghiệp có 69,35% lao động từ 25-40 tuổi, 21,27% lao động trên 40 tuổi, trong đó 53,26% lao động là nữ giới.
Theo đại diện BHXH tỉnh Khánh Hòa, chính sách BHTN đã góp phần hỗ trợ NLĐ bị mất việc có tiền để đảm bảo cuộc sống trong thời gian chờ việc mới. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp không tuân thủ quy định đền bù cho NLĐ khi họ mất việc. Vì vậy, cần xây dựng quỹ trợ cấp thất nghiệp dự phòng, mang tính chất “đặc thù” để chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ có tham gia BHTN hằng tháng nhưng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHTN của NLĐ...
https://laodong.vn/cong-doan/khoang-trong-bao-hiem-that-nghiep-thiet-thoi-cho-nguoi-lao-dong-1406094.ldo