Công nhân lao động làm việc bên trong cụm công nghiệp Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Người lao động hồi hương có thu nhập ổn định
Năm 2023, chị H’Ngôk Niê quyết định rời tỉnh Đồng Nai về quê ở huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk để tiện chăm sóc cha mẹ già và thoát khỏi cảnh sống chật chội, ngột ngạt trong những căn phòng trọ chỉ có vài m2.
Những tháng đầu, chị sống chật vật nhờ vào tiền tích lũy. May mắn, cuối năm 2023, Công ty TNHH KVD Vina tuyển công nhân lao động. Chị H’Ngôk Niê nhanh chóng ứng tuyển, trở thành công nhân lành nghề sau 3 tháng đào tạo, với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Chị H’Ngôk Niê chia sẻ: Hồi còn xa quê, làm việc ở tỉnh Đồng Nai, tôi có thu nhập cao hơn bây giờ. Thế nhưng, tiền kiếm được phải trang trải thêm các khoản thuê nhà trọ... nên thu nhập giảm sút. Ở gần nhà, việc ăn uống, sinh hoạt trong gia đình có thể tận dụng từ việc chăn nuôi, trồng trọt được ở vườn tược của gia đình.
“Đặc biệt, vào ngày chủ nhật hoặc buổi tối, tôi còn tranh thủ làm thêm được việc nhà, việc nương rẫy... chứ không phải đóng cửa đi xa như mọi năm. Tôi vui vì công việc ổn định, gần nhà. Hiện tôi đang tiết kiệm tiền để sửa lại căn nhà xuống cấp của gia đình” - chị H’Ngôk cho biết thêm.
Tương tự, chị H’Nhiên Mlô và chồng cũng hồi hương từ Bình Dương vì không tích lũy được dù cả hai làm công nhân nhiều năm. Về Đắk Lắk, họ xin vào làm tại cụm công nghiệp Tân An, thuê trọ gần nơi làm việc và tiết kiệm được 3 triệu đồng/tháng.
“Ở quê nhà vợ chồng tôi đã có đất. Chỉ cần hai vợ chồng phấn đấu, tiết kiệm tiền thì mơ ước có nơi an cư lạc nghiệp không còn là điều quá xa vời nữa. Chúng tôi hy vọng trong 3 năm sẽ tích lũy đủ tiền hoặc vay thêm anh em bạn bè để xây nhà trên mảnh đất quê hương, ổn định cuộc sống và nuôi con cái học hành” - chị H’Nhiên tâm sự.
Nhiều doanh nghiệp đến Đắk Lắk xây dựng nhà máy
Cụm công nghiệp Tân An, ở thành phố Buôn Ma Thuột, có diện tích 100,75ha và vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng. Chỉ sau 2 năm, cụm công nghiệp đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc. Năm 2022, cụm có khoảng 3.000 lao động, phục vụ 73 doanh nghiệp với 90 dự án. Đến nay, số lao động đã tăng gấp đôi, vượt hơn 6.000 người.
Đại diện Công ty Hồng Lĩnh, chủ đầu tư cụm công nghiệp, cho hay: “Trong 2 năm qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến để xây dựng hạ tầng, kho xưởng, và dây chuyền sản xuất. Điều này giúp tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt cho người đồng bào dân tộc thiểu số và lao động hồi hương từ các tỉnh phía Nam, giúp họ ổn định cuộc sống, không còn phải mưu sinh xa quê nhà”.
Năm 2023, Khu công nghiệp Hòa Phú có 44 dự án hoạt động. Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Phú đang trực tiếp tạo việc làm cho 2.400 lao động. Đến cuối năm 2024, Khu công nghiệp Hòa Phú tăng lên 59 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 5.956 tỉ đồng. Trong đó, có 5 dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2.133 tỉ đồng (tương đương 89,6 triệu USD), tăng gần 500 tỉ đồng so với năm 2023.
“Đến hết năm 2024, toàn khu công nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho hơn 4.600 người lao động, tăng 2.200 lao động so với năm 2023. Qua khảo sát, người lao động rất phấn khởi vì được làm việc ở gần nhà với mức thu nhập ổn định và được đóng nộp bảo hiểm đầy đủ” - ông Trương Hồ Anh Hoàng, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk phấn khởi cho hay.
Toàn tỉnh Đắk Lắk đang có gần 2 triệu người. Trong đó, lực lượng trong độ tuổi lao động gần 1,3 triệu người (chiếm khoảng 58% dân số). Tổng số lao động đang làm việc là khoảng 1,1 triệu người.
https://laodong.vn/cong-doan/dak-lak-tao-nhieu-viec-lam-on-dinh-cho-lao-dong-hoi-huong-1460770.ldo