Khu nhà trọ của nhà ông Hùng tại thôn Nhuế (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) có khuôn viên khá rộng rãi. Khu nhà trọ nằm trọn trong mảnh đất của nhà, cũng là nơi ông ở, nên rất đảm bảo an ninh.
Chính vì vậy, mặc dù nằm ở nơi khá khuất nẻo, khó tìm, lại khá cũ do xây dựng đã lâu, nhưng vẫn nhiều công nhân tìm đến thuê trọ. Các phòng trọ đều được "lấp đầy" công nhân, không bị để trống.
Ông Hùng cho biết, trong khu nhà trọ của mình, có 3 gia đình công nhân thuê một lúc 2 phòng trọ. "Đây đều là những gia đình công nhân có 1-2 con đang ở cùng. Nếu cả gia đình 3-4 người phải ở trong một phòng trọ, ngoài ra còn trữ đồ đạc, nấu nướng thì sẽ rất bất tiện cho sinh hoạt. Vì vậy, các gia đình công nhân thường chấp nhận bỏ thêm tiền để thuê thêm 1 phòng", ông Hùng chia sẻ.
Theo quan sát, các phòng tại khu nhà trọ này đã được xây dựng khá lâu. Diện tích mỗi phòng rất bé, chỉ khoảng 10-15 m2, không có nhà vệ sinh khép kín. Các thành viên khu trọ phải tắm giặt, đi vệ sinh tại nơi chung cho cả khu.
Chị Đinh Bảo Yến cùng chồng và 2 con trai thuê một lúc 2 phòng trọ tại khu này. Theo chị Yến, nếu sống độc thân, hoặc chỉ có vợ chồng thì 1 phòng trọ có thể ở thoải mái, còn nếu có 2 con thì với không gian 10-15 m2 sẽ rất chật chội.
Từ khi có con thứ 2, anh chị bàn nhau thuê thêm một phòng trọ. Theo đó, một phòng trọ chị dùng để các thành viên trong gia đình ăn, ngủ, nghỉ ngơi; còn một phòng trọ dùng để chứa đồ đạc, vật dụng và nấu ăn.
"Riêng chiếc máy giặt tôi vẫn để ở ngoài sân. Khu trọ này an ninh tốt nên tôi không lo mất đồ dùng này", nữ công nhân quê Phú Thọ cho biết.
Vào thời điểm muốn thuê thêm, phòng trọ bên cạnh đã có người ở nên chị buộc phải thuê thêm một phòng ở cuối dãy. Mỗi phòng trọ ở đây có giá 500 nghìn đồng. Như vậy, mỗi tháng chị phải trả 1 triệu đồng tiền thuê nhà.
Chị Yến làm công nhân, tổng thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm nghề nấu ăn, thu nhập cao hơn. Chi phí nuôi các con khá tốn kém. Mỗi tháng, theo tính toán của chị, riêng phí dành cho các con tốn khoảng 6-7 triệu đồng.
Hàng xóm của chị Yến là chị Tâm cũng bỏ thêm 500 nghìn mỗi tháng để thuê thêm một phòng trọ. Phòng trọ chính chỉ có giường ngủ, tủ quần áo, bàn học của con. Phòng trọ phụ là nơi nấu ăn và để các đồ đạc, vật dụng.
Chị Tâm cho biết, trước đây, khi chưa có con, vợ chồng chị đã dành dụm được 200 triệu đồng mua mảnh đất ở quê. Vì vậy, chị không có dự định làm công nhân lâu dài tại Hà Nội, mà sẽ về quê, xây nhà trên đất đã có, kiếm một công việc khác để ổn định cuộc sống.
"Tôi không muốn ở chung cư, mà dù muốn cũng không đủ tiền để mua", chị Tâm chia sẻ. Mua đất nền ở Hà Nội là điều chị rất thích, nhưng đối với vợ chồng chị, đây vẫn chỉ là ước mơ. Ngoài ra, việc thuê chung cư không khả thi do giá thuê chung cư khá cao, lại không có nhiều lựa chọn phù hợp tại khu vực này.
Theo nữ công nhân, ông bà ở quê đều bận việc nên không thể trông 2 cháu. Hơn nữa, chị cũng muốn các con ở cùng để chăm sóc, dạy dỗ các cháu được tốt hơn. Thuê 2 phòng trọ giúp gia đình chị có thêm không gian để sinh hoạt, không bị ám mùi thức ăn nếu để nơi nấu ăn trong phòng trọ; các con nhờ vậy cũng có giấc ngủ ngon hơn...
Theo khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện vào tháng 4.2023, người lao động phải dùng 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê nhà có diện tích trung bình là 21,1m2.
Người lao động phải bỏ ra một khoản tiền trung bình là 1,808 triệu đồng/tháng (bao gồm cả tiền điện nước). Số tiền này chiếm 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng của người lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/vo-chong-cong-nhan-thue-2-phong-tro-de-con-co-giac-ngu-ngon-1450211.ldo