Không an toàn ở lớp trông trẻ tự phát
Học hết cấp 3 rồi ra Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội xin làm công nhân, được vài năm chị Nguyễn Thị Hằng (quê Phú Thọ) lập gia đình. Hiện chị Hằng có con gái 2 tuổi. Vợ chồng chị Hằng đều là công nhân, thu nhập dao động 15 - 17 triệu đồng/tháng. Ở gần khu công nghiệp có khá nhiều trường mầm non tư thục song với mức học phí cao chị Hằng phải gửi con ở nhà trẻ tư nhân.
“Học phí 1,8 triệu đồng gồm bữa ăn trưa. Lớp tự phát nên không được đầu tư bài bản, các cô không có nhiều kỹ năng sư phạm, chủ yếu chỉ trông nom các con. Dẫu vậy, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác, con còn quá nhỏ trong khi một lớp ở trường công rất đông các bé” - chị Hằng nói.
Gửi con ở lớp tự phát, chị Hằng lo lắng nhất là sự an toàn của con cũng như không gian vui chơi hầu như không có, đồ dùng học tập hạn chế. Nữ công nhân dự định, con lên 4 tuổi sẽ xin cho con vào trường mầm non công lập, nếu không được mới gửi con về quê.
Phó Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN Trần Thu Phương cho biết, cơ sở vật chất trường, lớp mầm non tiếp tục được các cấp chính quyền và địa phương quan tâm đầu tư hàng năm, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non được các tỉnh, thành có đông khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non.
Song trên thực tế, số lượng các trường mầm non, mẫu giáo, nơi chăm sóc nuôi dạy trẻ hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân do có con trong độ tuổi gửi trẻ do số lượng các cháu ngày càng tăng nhanh.
Bà Trần Thu Phương cho hay, con theo cha mẹ đến các khu công nghiệp có xu hướng gửi tại các nhà trẻ tư nhân - nơi điều kiện và không gian hạn chế, người trông trẻ không được đào tạo bài bản, không có kỹ năng sư phạm; ít có sự đầu tư trang thiết bị nuôi dạy trẻ chủ nhà không có việc làm, không chuyên môn, thậm chí lấy phòng trọ làm nơi giữ trẻ, học phí thấp dẫn đến nên chất lượng bữa ăn thấp và điều kiện phục vụ chưa đảm bảo, các cháu chỉ biết ăn và ngủ, không được dạy các kỹ năng cần thiết ở độ tuổi của mình. Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua.
Nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp xây còn khiêm tốn
Tại Hội thảo “Đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ về nhà trẻ mẫu giáo cho con CNLĐ theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP và Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Đề xuất chính sách” do Ban Nữ công, Tổng LĐLĐVN tổ chức, đại diện LĐLĐ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, trước những nhu cầu thiết thực của người lao động tại các khu công nghiệp về vấn đề nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con công nhân lao động.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Trảng Bom đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giao đất và các điều kiện khác để xây dựng các trường mầm non, mẫu giáo cho con công nhân ở các khu công nghiệp. Tuy nhiên, số lượng nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp xây dựng còn rất khiêm tốn, không đáp ứng được yêu cầu thực tế, dẫn đến người lao động phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục.
Để đảm bảo quyền lợi cho trẻ và quyền lợi cho giáo viên, nhân viên tại các nhóm trẻ trên địa bàn huyện, năm 2024, Hội đồng nhân dân huyện thành lập đoàn giám sát liên ngành, trong đó có LĐLĐ huyện đã tiến hành giám sát 4 cơ sở giáo dục mầm non và giám sát đối với phòng giáo dục và đào tạo huyện.
Tổ chức Công đoàn huyện Trảng Bom đã có kiến nghị với Phòng giáo dục và Đào tạo huyện chủ động tham mưu UBND huyện triển khai các quy định về quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đến UBND các xã, thị trấn và các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn huyện...
https://laodong.vn/cong-doan/con-cong-nhan-phai-gui-o-nha-tre-tu-nhan-khong-dam-bao-1418957.ldo