Thời sự
Cập nhật lúc 03:02 15/01/2025 (GMT+7)
Mở rộng khách hàng được mua điện trực tiếp liệu có khả thi?

Việc mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn điện tái tạo sẽ đáp ứng được mong muốn của các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn năng lượng sạch.

Mở rộng khách hàng được mua điện trực tiếp liệu có khả thi?
VCCI đề xuất hạ thấp ngưỡng sản lượng tiêu thụ điện bình quân để DN được tham gia mua bán điện trực tiếp, đặc biệt với trường hợp mua bán qua đường dây riêng. Ảnh minh họa: EVN

Mở rộng cơ hội tiếp cận, giảm phụ thuộc vào EVN

Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn quy định tại Luật Điện lực về cơ chế mua bán điện trực tiếp đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất khách hàng sử dụng điện lớn được tham gia mua bán điện trực tiếp. Điều kiện tham gia là khách hàng sử dụng điện lớn đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên và tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh một tháng.

Góp ý về dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất hạ thấp ngưỡng sản lượng tiêu thụ điện bình quân để được tham gia mua bán điện trực tiếp, đặc biệt với trường hợp mua bán qua đường dây riêng.

Theo VCCI, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn có nhu cầu sử dụng điện tái tạo nhằm đáp ứng các yêu cầu của đối tác xuất khẩu hoặc các tiêu chuẩn quốc tế.

Trao đổi với Lao Động, TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội - cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi xanh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất bền vững, nhu cầu sử dụng điện tái tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, với quy định hiện tại về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), nhiều DNNVV không đáp ứng được tiêu chí sản lượng tiêu thụ bình quân 200.000 kWh/tháng, mặc dù nhu cầu có thực. Vì vậy, việc mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn điện tái tạo thông qua hạ thấp các điều kiện tham gia sẽ đáp ứng được mong muốn của các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn năng lượng sạch.

Việc tham gia vào cơ chế DPPA sẽ giúp các DNNVV sử dụng nguồn điện tái tạo, từ đó đáp ứng yêu cầu của các đối tác quốc tế và giảm thiểu phát thải carbon. Khi tiếp cận được nguồn điện tái tạo với chi phí hợp lý, các DNNVV sẽ giảm được giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tham gia vào cơ chế DPPA giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp điện tái tạo phù hợp với nhu cầu sản xuất, thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào EVN. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành điện và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tuy nhiên, nếu không có cơ chế hỗ trợ hoặc hướng dẫn cụ thể, nhiều DNNVV có thể gặp khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng và hiểu rõ cách vận hành của cơ chế DPPA. Vì vậy, cần có thêm các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và cơ chế khuyến khích tài chính để giúp DNNVV tham gia hiệu quả.

Cần có kế hoạch thực hiện hợp lý

Đề xuất hạ thấp ngưỡng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận nguồn điện tái tạo. Đồng thời việc cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia mua bán điện sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn, giúp giảm giá điện và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý về tính rủi ro và những bất cập của đề xuất này trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, hạ tầng và hoạt động quản lý.

Theo TS Mạc Quốc Anh, nếu mở rộng quá nhiều đối tượng tham gia DPPA, hệ thống truyền tải hoặc các nguồn điện tái tạo hiện tại có thể không đáp ứng kịp nhu cầu. Điều này đòi hỏi phải đầu tư lớn hơn vào hạ tầng truyền tải và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Khi có nhiều doanh nghiệp tham gia, việc điều phối nguồn cung, cân bằng lưới điện và giám sát hợp đồng mua bán điện trực tiếp sẽ trở nên phức tạp hơn. Điều này yêu cầu Bộ Công Thương và các bên liên quan xây dựng cơ chế quản lý minh bạch, hiệu quả.

“Hạ thấp ngưỡng sản lượng một cách hợp lý: Bộ Công Thương nên cân nhắc mức ngưỡng tiêu thụ điện phù hợp (ví dụ, 100.000 kWh/tháng hoặc thấp hơn đối với doanh nghiệp sử dụng đường dây riêng). Để tránh quá tải, nên ưu tiên các doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể về chuyển đổi xanh và cam kết sử dụng lâu dài điện tái tạo” - TS Mạc Quốc Anh kiến nghị.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đề xuất của VCCI tuy có ưu điểm giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận, nhưng việc đảm bảo an ninh năng lượng 24/7 là rất khó khăn. Khi nguồn điện tái tạo không đủ, các doanh nghiệp vẫn phải dựa vào lưới điện quốc gia, nhưng lưới điện không thể đáp ứng nhu cầu đột ngột. Cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng.

“Đề xuất của VCCI có nhiều tiềm năng để thúc đẩy sự phát triển và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, nhưng cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có kế hoạch thực hiện hợp lý để tránh các rủi ro và bất cập có thể xảy ra” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

https://laodong.vn/kinh-doanh/mo-rong-khach-hang-duoc-mua-dien-truc-tiep-lieu-co-kha-thi-1449402.ldo

Thạch Lam (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: