Góc nhà trọ
Cập nhật lúc 09:37 15/07/2025 (GMT+7)
Muốn mua nhà ở xã hội, người lao động thu nhập thấp cần chuẩn bị gì?

Không chỉ cần tiền, người lao động còn cần nắm vững quy định pháp luật, thủ tục giấy tờ và các điều kiện cần thiết để không bị bỏ lỡ cơ hội mua nhà ở xã hội.

Muốn mua nhà ở xã hội, người lao động thu nhập thấp cần chuẩn bị gì?
Khu đất đang thực hiện dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Thành Nhân

Luật sư Châu Duy Nguyên - Văn phòng Luật sư An Đăng (Đoàn Luật sư TP.HCM) - cho biết, để được xét mua nhà ở xã hội, người lao động cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, bao gồm: Thuộc đối tượng có thu nhập thấp (nếu đã kết hôn thì tổng thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng không vượt quá 30 triệu đồng, được xác nhận theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đang làm việc xác nhận; còn đối với người lao động độc thân, thu nhập thực nhận hằng tháng không vượt quá 15 triệu đồng); không thường xuyên phải nộp thuế thu nhập cá nhân; thuộc diện không có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 15m²/người.

Ngoài ra, người lao động phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên tại địa phương nơi có dự án nhà ở xã hội. Trường hợp là người lao động ngoài tỉnh, cần có giấy xác nhận đang làm việc tại địa bàn có dự án. Bên cạnh đó, người lao động chưa từng được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở; chưa từng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trước đó.

Luật sư Châu Duy Nguyên cũng cho biết thêm, thông thường, hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội bao gồm: Đơn đăng ký mua nhà ở xã hội; Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú); Giấy xác nhận thu nhập (xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang làm việc; hoặc sao kê lương, hợp đồng lao động kèm xác nhận của chính quyền địa phương đối với trường hợp lao động tự do); Giấy tờ chứng minh thực trạng nhà ở (xác nhận chưa có nhà ở, hoặc có nhà nhưng diện tích dưới mức quy định); Cam kết chưa từng được hưởng chính sách nhà ở xã hội trước đó.

Người lao động cần chuẩn bị bản sao có công chứng, hoặc bản photo kèm bản gốc để đối chiếu khi nộp hồ sơ.

Khu đất đang thực hiện dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Thành Nhân
Khu đất đang thực hiện dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Thành Nhân

Để tránh bị môi giới, “cò đất” lừa đảo khi mua nhà ở xã hội, Luật sư Châu Duy Nguyên khuyến cáo: do nhu cầu mua nhà ở xã hội rất lớn, nhiều đối tượng môi giới, cò mồi lợi dụng tâm lý “muốn mua nhanh, chắc suất” để dụ người lao động đặt cọc tiền, ký giấy tay…

Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Người lao động cần lưu ý chỉ làm việc với chủ đầu tư dự án được cấp phép, có thông báo bán nhà ở xã hội công khai, rõ ràng. Ngoài ra, tuyệt đối không chuyển tiền, đặt cọc hay ký hợp đồng mua bán nếu không có văn bản xác nhận đủ điều kiện chuyển nhượng từ Sở Xây dựng. Đặc biệt, không nên tin vào các lời rao như “có suất nội bộ”, “đi cửa sau”… vì rất dễ bị mất tiền mà không có nhà. Khi ký hợp đồng mua bán, cần đảm bảo thực hiện công chứng theo quy định pháp luật.

Luật sư Châu Duy Nguyên cũng chia sẻ thêm, người lao động cần nắm rõ các điều kiện, đối tượng, quy trình xét duyệt mua nhà ở xã hội. Ngoài việc chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và người mua cũng cần chủ động dự phòng tài chính tương ứng với giá trị căn hộ. Bên cạnh đó, phải tìm đúng dự án, đúng chủ đầu tư; tuyệt đối không tin môi giới, không ký giấy tay, không chuyển tiền “giữ chỗ”.

Song song đó, người lao động nên theo dõi thông báo từ Sở Xây dựng, UBND tỉnh hoặc từ chủ đầu tư dự án về thời điểm tiếp nhận hồ sơ. Việc mua nhà ở xã hội tuy không dễ, nhưng nếu người lao động chuẩn bị kỹ càng, chủ động tìm hiểu thông tin thì cơ hội an cư sẽ gần hơn bao giờ hết.

https://laodong.vn/cong-doan/muon-mua-nha-o-xa-hoi-nguoi-lao-dong-thu-nhap-thap-can-chuan-bi-gi-1540018.ldo

Thành Nhân (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: