Không quan tâm vì có hướng đi khác
Chị Nguyễn Thị Huyền (tên nhân vật đã thay đổi) trước đây là công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội). Cách đây hơn 2 năm, chị chấm dứt hợp đồng lao động, chính thức thất nghiệp. Như nhiều lao động thất nghiệp khác, chị làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp để có thu nhập trong thời gian không có việc làm.
Chị Huyền có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 18 năm, nên được hưởng thời gian tối đa (12 tháng), với tổng số tiền là 4,6 triệu đồng/tháng.
Nữ công nhân chỉ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, không hưởng 3 chế độ còn lại, trong đó có hỗ trợ học nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Lý do chị Huyền đưa ra là chị không quan tâm khi đã có kế hoạch khác. “Trong quãng thời gian mất việc, điều tôi mong muốn nhất là được khoản trợ cấp thất nghiệp; còn học nghề, hay tư vấn nghề nghiệp thì tôi không để ý lắm vì không hợp với hướng đi của tôi” - chị Huyền chia sẻ.
Sau khi mất việc làm, nữ công nhân gần 40 tuổi này chuyển hướng sang làm tư vấn xuất khẩu lao động tại một trung tâm. Sau đó, chị còn đi làm nghề môi giới buôn bán bất động sản thổ cư.
“Thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn do không có kinh nghiệm, mối quan hệ, kỹ năng trong các nghề này. Từ một người làm trong nhà máy, với các thao tác công việc khá đơn giản, ít tiếp xúc với người khác, đến một công việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, nhất là giao tiếp xã hội khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn” - chị Huyền chia sẻ.
Hiện nay, chị Huyền không còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa, nhưng thu nhập từ 2 nghề mới đã giúp chị cơ bản ổn định được cuộc sống.
Giám đốc một trung tâm dịch vụ việc làm ở phía Bắc cho biết, số lượng người học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp của trung tâm là ít so với người làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, mặc dù các nghề mà trung tâm có thể hỗ trợ dạy khá đa dạng.
“Khi mất việc, điều họ quan tâm nhất là khoản tiền trợ cấp để họ bớt phần nào khó khăn. Còn sau đó, hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, họ có thể tìm công việc khác tại một công ty mới mà không cần học nghề, nâng cao kỹ năng, tay nghề, do nhiều công ty cũng chỉ cần lao động phổ thông” - vị giám đốc này nói.
Thủ tục thuận lợi để người lao động dễ tiếp cận
Mới đây, tại buổi góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình Trần Kim Long cho rằng, người lao động, khi thất nghiệp thì đi ra khỏi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Do vậy, đối với việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thì thủ tục phải thuận lợi để người lao động dễ tiếp cận.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, giai đoạn từ 2015 đến tháng 3.2024, tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước là 7.605.726 người, bằng 14 lần so với năm 2015 (527.576 người); có 7.439.091 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh và sớm trở lại thị trường lao động.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 3.2024, cả nước có 261.676 người được hỗ trợ học nghề. Theo lý giải của Bộ LĐTBXH, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng giảm tại các năm gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay nên nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/khong-man-ma-hoc-nghe-vi-so-mat-tro-cap-1398014.ldo