Trang chủCông nhân 360Đời sống Công nhân
Đời sống Công nhân
Cập nhật lúc 08:20 20/12/2023 (GMT+7)
Mong Tết đủ đầy, công nhân đi dặm lúa, làm phụ hồ, bán hàng online

Còn khoảng 2 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán 2024. Để có khoản tiền lo Tết cho gia đình, nhiều công nhân tại một số tỉnh miền Tây chật vật làm thêm để cải thiện thu nhập. Bên cạnh đó, họ cũng mong chờ vào chế độ thưởng Tết từ doanh nghiệp để tạo động lực tham gia sản xuất.

Mong Tết đủ đầy, công nhân đi dặm lúa, làm phụ hồ, bán hàng online
Nhiều doanh nghiệp gặp khó phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân. Ảnh minh họa: Bích Ngọc

Ngậm ngùi vì 2 năm không có Tết

Từng là một trong những công nhân nằm trong danh sách giảm giờ làm, chị Đến (nữ công nhân một doanh nghiệp giày da ở tỉnh Hậu Giang) không khỏi xót xa, tủi thân khi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.

Chị Đến kể lại: "Tôi bị cắt giờ làm chỉ còn 4 ngày/tuần, 5 tháng liên tục thu nhập chỉ hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Khổ sở, đi làm tiền không đủ ăn còn nghỉ việc cũng chẳng xong".

Theo nữ công nhân này, đó là thời điểm sau dịch COVID-19, công ty gặp khó, không có nguồn hàng. Người may mắn thì chỉ bị giảm giờ làm, còn không may thì bị tạm ngừng việc, nhiều anh em không có tiền ăn Tết và gia đình chị cũng không ngoại lệ.

"Cắt việc, giảm giờ làm, thu nhập giảm đáng kể. Tiền tiết kiệm 2 năm đi làm trước đó, tôi lấy chi tiêu cho gia đình hết. Mặc dù đã vun vén nếu không muốn nói là tặn tiện, nhưng Tết năm trước gia đình tôi không có nổi một nồi thịt kho trứng", chị Đến chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, chị Phạm Thị Thu Thủy (công nhân một công ty may mặc ở Cần Thơ) cũng ngậm ngùi khi bị cắt giảm giờ làm suốt mấy tháng trời do công ty gặp khó khăn.

"Tôi thì bị tạm thời ngừng việc, chồng tôi thì giảm giờ làm nên cả 4 người trong gia đình sống bằng đồng lương không quá 4 triệu đồng/tháng của chồng. Tiền ăn không có, năm rồi không dám nghĩ đến ăn Tết", chị Thủy nói.

Chật vật làm thêm, mong chờ thưởng Tết

Mặc dù hiện nay, công ty đã tháo gỡ khó khăn, công nhân được đi làm, tăng ca trở lại, tuy nhiên, chị Đến vẫn trăn trở làm sao để cái Tết sắp đến thật sự đủ đầy.

"Tiền tiết kiệm đã dùng hết, mới đi làm lại được hơn nửa năm nay nên số tiền hiện có của tôi cũng chẳng được bao nhiêu. Lương hiện nay 7 triệu đồng/tháng tính cả tăng ca, số tiền này không đủ lo cho gia đình 3 người. Để có cái Tết, tôi buộc phải đi làm thêm", chị Đến nói.

Theo chị Đến, bên cạnh việc dè sẻn trong chi tiêu, mua sắm thì tranh thủ cuối tuần chị lại nhận dặm lúa, làm cỏ thuê để cải thiện thu nhập.

"Mấy năm rồi không có Tết, đi làm cũng khó khăn nên nghĩ cũng tủi thân. Giờ còn khỏe thì còn đi làm, dặm lúa ngày cũng được 200.000 đồng. Ăn uống tiết kiệm 100.000 đồng/ngày cho bữa cơm 3 người. Tiền tiết kiệm đó, tích cóp mua bánh mứt Tết", chị Đến cho biết.

Để có tiền ăn Tết, nữ công nhân Thu Thủy học cách kinh doanh bán hàng online. Ảnh: Bích Ngọc.
Để cải thiện thu nhập, có tiền ăn Tết, nữ công nhân Thu Thủy làm thêm công việc bán hàng online. Ảnh: Bích Ngọc.

Tương tự, nữ công nhân Thu Thủy cho biết: "Mặc dù được đi làm trở lại, nhưng thu nhập cả vợ chồng tôi cũng chỉ khoảng 13 triệu đồng, lo sinh hoạt cho 4 người. Năm trước khó khăn, bộ đồ mới cho 2 con tôi cũng không mua nổi. Bây giờ, cứ ngày nghỉ thì chồng tôi phụ hồ, còn tôi tập tành học bán hàng online để có chút tiền mua cái áo mới cho con đón Tết".

Song, nữ công nhân này cũng trăn trở và mong chờ chế độ thưởng Tết từ công ty. Theo chị Thủy, những năm vừa rồi tình hình kinh tế khó khăn, nên thu nhập của công nhân bị ảnh hưởng không nhỏ. Năm nay, tình hình đã khả quan hơn nên bản thân cũng kì vọng nhận được một khoản thưởng Tết từ công ty.

Công nhân mong chờ vào khoản thưởng Tết. Ảnh: Bích Ngọc
Công nhân mong chờ khoản thưởng Tết từ doanh nghiệp. Ảnh: Bích Ngọc

"Dù biết thưởng Tết là khoản không bắt buộc nhưng nếu được chút quà bánh, hoặc có thêm 1 tháng lương thì chắc chắn sẽ hỗ trợ rất lớn cho anh em công nhân có cái Tết đủ đầy, cũng như tạo động lực để tham gia sản xuất", chị Thủy cho hay.

Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - cho biết: Theo khảo sát, chỉ 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; 75,5% người trả lời cho biết, thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu.

Bộ LĐTBXH đã yêu cầu các Sở LĐTBXH trên cả nước thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, Bộ giao lãnh đạo các Sở chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.

https://laodong.vn/cong-doan/mong-tet-du-day-cong-nhan-di-dam-lua-lam-phu-ho-ban-hang-online-1281844.ldo

VÂN HI (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: