Nhiều lý do nhảy việc
Anh Đinh Công Minh làm thợ cắt mài đá cho một xưởng chế tác đá tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Lương cứng 12 triệu đồng/tháng, chủ bao ăn ở kèm với khoản thưởng thêm theo doanh số của bộ phận kinh doanh, tổng thu nhập có thể lên tới 16 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, anh Minh vẫn quyết định nghỉ việc ngay sau Tết Dương lịch.
“Tôi làm công việc này đã được 6 năm, sức khỏe thấy đi xuống nhiều. Cách đây 2 tháng, do ho nhiều và người hay đau nhức, tôi đi khám, bác sĩ nói tôi bị bệnh hô hấp và bị xương khớp do thường xuyên trong tư thế ngồi xổm để khoan, đục… Tôi quyết định dừng công việc này, dù biết nghỉ trước Tết Nguyên đán sẽ mất thưởng ít nhất 1 tháng lương. Tôi lắng nghe cơ thể và hiểu rằng nên dừng lại. Tôi quyết định nghỉ việc, về quê. Dự định sau Tết, tôi sẽ nghiên cứu để đi xuất khẩu lao động”, anh Minh nói.
Chị Hoàng Thị Nga lại có lý do khác để nhảy việc. Chị Nga là kế toán tổng hợp của một công ty chuyên về thiết bị văn phòng và văn phòng phẩm. 4 năm nay, chị Nga thuê nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội) để tiện đi làm vì công ty có trụ ở tại đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), cách nơi thuê nhà 1,5km.
Từ ngày 1.1.2025, công ty chị Nga chuyển trụ sở về quận Long Biên, cách nơi chị đang thuê trọ 8km. Dù tiếc công việc đang có nhưng chị Nga nói quyết định nghỉ việc cùng thời điểm công ty chuyển trụ sở bởi 2 lý do. Thứ nhất, em trai chị là sinh viên một trường đại học ở quận Hà Đông, hiện đang ở ký túc xá, chị muốn thuê nhà gần trường đại học của em trai để ở chung. Thứ hai, chị đã tìm được công việc mới gối đầu, công ty có trụ sở ở phố Nguyễn Văn Lộc, cách trường em trai chị học chỉ 1km.
“Tôi hỏi phòng thuê trọ thì giá có đắt hơn căn hiện tại đang thuê nhưng nếu tính ra ở được 2 chị em thì giá chấp nhận được. Có thể ở một thời gian, tôi tranh thủ tìm thuê phòng khác hợp lý hơn”, chị Nga nói.
Chị Nga cũng bày tỏ luyến tiếc khi mất khoản thưởng Tết Nguyên đán, nhưng theo chị, “cũng không còn cách nào khác”.
Thận trọng
Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, người lao động nhảy việc dịp cận Tết nên thận trọng, cân nhắc kỹ được - mất.
Ông Thành cung cấp thêm thông tin, dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong quý IV/2024 của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là khoảng 120.000 – 150.000 lao động, tập trung chủ yếu vào nhóm nhân viên kinh doanh - bán hàng, công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, xây dựng…
“Dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong giai đoạn tiếp theo có thể kể đến như: Sản xuất sản phẩm điện tử (tăng khoảng 4% so với quý trước); Bán buôn và bán lẻ (tăng khoảng 7% so với quý trước); Công nghệ thông tin (tăng khoảng 7,5% so với quý trước); Hoạt động kinh doanh bất động sản (tăng khoảng 5% so với quý trước). Tuy nhiên, bên cạnh đó sẽ có một số nhóm ngành được dự báo là sẽ xuất hiện tình trạng giảm việc làm do thiếu hụt đơn hàng như: Dệt may, da giày (giảm khoảng 0,5% so với quý trước); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (giảm khoảng 0,8% so với quý trước)”, ông Vũ Quang Thành khuyến cáo.
Quý III/2024 cũng đánh dấu tỷ lệ tham gia lực lượng lao động Thủ đô lần đầu tăng nhẹ chuỗi liên tục giảm cho thấy một số lao động không tham gia hoạt động kinh tế đã quay lại thị trường lao động. Số lao động thực hiện đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp giảm đồng thời với tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động dưới mức tiềm năng giảm sâu thời gian tăng mạnh trong quý II cho thấy các chính sách hỗ trợ điều tiết thị trường đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, với dưới sức ép của sự cạnh tranh trên thị trường, nhiều người lao động phải chấp nhận làm các công việc có kỹ năng thấp hơn khả năng, thậm chí một số lao động có kỹ năng thấp sẽ phải dịch chuyển tới các thị trường tại các tỉnh thành khác có mức độ cạnh tranh cũng như chi phí thấp hơn.
https://laodong.vn/cong-doan/ly-do-nguoi-lao-dong-nhay-viec-khi-can-tet-1437294.ldo