Lao động nữ lớn tuổi khó xin việc, nhiều người chấp nhận làm giúp việc theo giờ. Ảnh: Hạnh An
Nữ công nhân lớn tuổi khó xin việc
Chị Bùi Thị Thu là công nhân một công ty may tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội). Gắn bó với công ty được 16 năm, cuối năm 2024, chị Thu được thông báo sẽ trong diện cắt giảm nhân sự do đơn hàng giảm. Việc cắt giảm sẽ diễn ra vào quý II/2025.
44 tuổi, nghe tin mất việc, chị Thu không khỏi bàng hoàng. Chị lập tức nhờ người thân, bạn bè giới thiệu tìm công việc mới. Tuy nhiên, khác với hình dung ban đầu của chị Thu, là người có kinh nghiệm làm việc lâu năm, chỉn chu, chịu khó sẽ dễ dàng có công việc mới, những chỗ được giới thiệu đều lắc đầu với lời từ chối: “Tuổi cao!”.
“Công ty đã thông báo sẽ cho chúng tôi nghỉ việc vào quý II/2025, có nhận phụ cấp 6 tháng lương cơ bản. Đa số người bị cắt giảm đợt này là lao động nữ, ngoài 40 tuổi. Chúng tôi lập một nhóm Zalo, thông tin hằng ngày với nhau về tình hình tìm việc. Đến thời điểm này gần như chưa ai xin được việc làm mới. Vài người quyết định chuyển sang công việc khác để tăng cơ hội việc làm như làm giúp việc theo giờ, nhận dọn vệ sinh cho các công ty…” - chị Thu chia sẻ.
Lao động nữ lớn tuổi khó xin việc, nhiều người chấp nhận chuyển sang làm giúp việc gia đình. Ảnh: Thanh Xuân
Cũng như chị Thu, chị Trần Thị Nga, sinh năm 1981, là công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cũng mất việc trước Tết Nguyên đán do công ty cắt giảm nhân sự.
Sau khi mất việc, chị Nga cố gắng tìm kiếm công việc mới trong khu công nghiệp nhưng trước Tết, số công ty đăng tuyển dụng lao động không nhiều. Chưa kể, rất ít công ty có nhu cầu tuyển dụng lại chỉ chấp nhận lao động từ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi.
Có tay nghề cũng không dễ tìm việc
Hơn 2 tháng kể từ ngày mất vị trí quản đốc cho một xưởng sản xuất hàng tiêu dùng ở huyện Hoài Đức, chị Trần Thị Hằng (xã Bằng Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) rong ruổi đi tìm việc.
Chị Hằng tham gia vào các hội nhóm, lên mạng xã hội để tìm kiếm việc làm… và nhờ bạn bè giới thiệu, đến nay vẫn chưa được doanh nghiệp nào nhận.
“Có vài phản hồi về hồ sơ của tôi. Họ cho rằng, kinh nghiệm của tôi “không đáng kể” vì chỉ làm cho công ty tư nhân. Hơn 10 năm làm việc, tôi thấy đúng là kinh nghiệm của mình không phong phú. Chưa kể, so với nhân sự trẻ mới gia nhập thị trường lao động, lứa chúng tôi thua kém đủ mọi mặt”, chị Hằng nói.
Cùng gặp khó khăn khi tìm việc mới dù đã làm đến trưởng phòng, chị Lê Thị Hoa (sinh năm 1979) cho biết, rào cản lớn nhất khi xin việc là tuổi tác. “Tuy mình có lợi thế chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng giải quyết công việc, nhưng cũng khó lòng cạnh tranh với nhiều bạn trẻ năng động, chuyên môn tốt", chị Hoa trăn trở.
Nhận định về những khó khăn của lao động lớn tuổi khi tìm việc, đặc biệt là lao động nữ, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng, lao động ở độ tuổi trung niên gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay.
Nguyên nhân trước hết phải kể đến là do thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa đã thay đổi nhiều ngành nghề, khiến cho những kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu trở nên lỗi thời. Các công việc hiện đại thường yêu cầu kỹ năng sử dụng công nghệ mới mà lao động trung niên có thể thiếu.
Bên cạnh đó, lao động trẻ thường được ưu tiên tuyển dụng vì họ được đào tạo mới, có năng lực sử dụng công nghệ và có thể sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn. Điều này càng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho lao động trung niên.
https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-nu-chat-vat-xin-viec-khi-ngoai-40-tuoi-1464996.ldo