Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Hương Nha
Cả nước giảm gần 130.000 biên chế sau sáp nhập tỉnh, xã
Dự kiến sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh sẽ giảm hơn 18.440 biên chế cán bộ, công chức so với số biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2022. Cấp xã (xã, phường, đặc khu) sẽ giảm hơn 110.780 biên chế cán bộ, công chức so với tổng số biên chế cấp huyện và cấp xã giao năm 2022 do sắp xếp vị trí việc làm, tinh giản biên chế, nghỉ chế độ theo quy định.
Kết thúc hoạt động của khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước.
Trao đổi với Lao Động, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) Phạm Minh Huân cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực để giúp người lao động bị ảnh hưởng có thể nhanh chóng tìm được công việc mới. Ông Huân đề xuất ngoài các chính sách chung, Nhà nước cần bổ sung thêm ngân sách để hỗ trợ người lao động trong quá trình tìm việc, đặc biệt là hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi công việc và kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Việc tinh gọn bộ máy Nhà nước là một “bước đi” tất yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện quá trình này một cách hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người lao động và giúp họ có cơ hội phát triển trong một môi trường làm việc mới.
Nếu có những chính sách hỗ trợ và các giải pháp kết nối việc làm hiệu quả, lực lượng nhân sự sau khi rời khu vực Nhà nước có thể nhanh chóng tái hòa nhập thị trường lao động và tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiến hành phân loại, phân nhóm lao động rời khu vực công
Đánh giá về lực lượng lao động bị ảnh hưởng khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) Vũ Trọng Bình cho rằng, đây là những người có kinh nghiệm, bổ sung lực lượng đáng kể cho thị trường lao động đang rất cần nhân lực có kinh nghiệm, có quản trị.
Đối với việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh, Cục Việc làm đang phối hợp các đơn vị trong Bộ nắm chắc dữ liệu. “Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa có dữ liệu để đánh giá đúng tình hình. Bao nhiêu lao động rời khỏi khu vực công, trình độ chuyên môn như thế nào, ở trên địa bàn nào và trên cơ sở đó chúng ta phân nhóm, phân loại và kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động” - ông Bình phân tích.
Theo ông Bình, Cục Việc làm đang tích cực đánh giá lao động, từ đó có những cơ chế, chính sách cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm, cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Thực tế, có nhiều nhóm lao động khác nhau, có nhóm lao động trẻ, có nhóm lao động trên 50 tuổi, phải có sự ứng xử phù hợp trong cơ chế chính sách.
Nước ta hiện có 54 triệu lao động, trong đó có gần 53 triệu lao động đang tham gia vào thị trường lao động. Dưới góc độ thị trường lao động, 130.000 người bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy ở nhiều ngành, nghề khác nhau, trải đều trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sẽ bổ sung vào thị trường lao động. Vì thế, Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho hay, việc này không tạo ra biến động lớn với thị trường.
“Chúng tôi đã và đang chỉ đạo hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm và một số địa phương đã triển khai tổ chức giới thiệu việc làm, kết nối việc làm giữa doanh nghiệp với đối tượng này. Cục Việc làm cũng đang nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ chế chính sách, vấn đề đào tạo, thông tin thị trường lao động, cho vay vốn” - ông Bình nói.
https://laodong.vn/cong-doan/ket-noi-ho-tro-viec-lam-cho-130000-lao-dong-roi-khu-vuc-cong-1502735.ldo