Thời sự
Cập nhật lúc 05:24 08/05/2025 (GMT+7)
Nhiều tập đoàn lớn cắt giảm, hơn 2 vạn lao động rút khỏi ngành tài chính, ngân hàng

Hàng loạt tập đoàn lớn cắt giảm lao động nhằm tối ưu hóa chi phí, tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất làm việc.

Nhiều tập đoàn lớn cắt giảm, hơn 2 vạn lao động rút khỏi ngành tài chính, ngân hàng
Người lao động làm thủ tục nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội. Ảnh: Hương Nha

Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động (Bộ Nội vụ) vừa công bố Bản tin thị trường lao động quý I/2025.

Bản tin của Bộ Nội vụ nêu rõ biến động việc làm theo ngành trong quý I/2025 so với quý IV/2024.

Ở chiều sụt giảm lao động, ngành xây dựng dẫn đầu với số lao động giảm là 148,5 nghìn người; đứng thứ 2 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm là 113,3 nghìn người;

Tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản với số lao động giảm là 47,2 nghìn người. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có số lao động giảm là 29,4 nghìn người.

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có số lao động giảm là 23,6 nghìn người.

Lao động
Bản tin thị trường lao động quý I/2025. Ảnh: Hương Nha

Ở chiều ngược lại, ngành vận tải, kho bãi dẫn đầu với số lao động tăng 47,8 nghìn người. Đứng thứ hai là ngành giáo dục và đào tạo khi có thêm 47,2 nghìn người.

Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 29,1 nghìn người.

Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 20,4 nghìn người lao động. Đứng cuối cùng là lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 19 nghìn người.

Quý I/2025 cũng ghi nhận 5 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất là bán buôn, bán lẻ; hoạt động kinh doanh bất động sản; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; giáo dục và đào tạo; lập trình máy tính, dịch vụ công nghệ thông tin.

5 nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là nhân viên bán hàng; nhân viên dịch vụ khách hàng; nhân viên kinh doanh và quản lý; lao động trong lĩnh vực kỹ thuật; logistic/vận tải.

Còn tại bản "Tóm lược thị trường lao động Việt Nam đầu năm 2025", nền tảng việc làm trực tuyến Vieclam24h chỉ ra, trong thời gian gần đây, thị trường lao động thế giới và Việt Nam chứng kiến làn sóng sa thải vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành công nghệ thông tin, tài chính, truyền thông - quảng cáo.

Hàng loạt tập đoàn lớn cắt giảm lao động nhằm tối ưu hóa chi phí, tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất làm việc.

Cùng lúc đó, một nghịch lý khác xuất hiện: Nhiều doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong tuyển dụng, thậm chí rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Thoạt nhìn, tình trạng này có vẻ đối lập, nhưng thực chất đây là hệ quả của sự tái cấu trúc lao động trên thị trường. Vấn đề không nằm ở việc thiếu hay dư thừa lao động một cách tuyệt đối, mà là sự chênh lệch giữa nguồn cung nhân lực và nhu cầu tuyển dụng thực tế.

Các đợt cắt giảm chủ yếu diễn ra ở những lĩnh vực dư cung lao động, nơi doanh nghiệp đẩy mạnh tự động hóa và tối ưu quy trình.

Ngược lại, những ngành như Logistic và chuỗi cung ứng, công nghiệp chế biến - chế tạo lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là nhân sự có tay nghề cao.

Điều này cho thấy, thay vì chỉ đơn thuần là vấn đề cung - cầu, thị trường lao động đang trải qua sự dịch chuyển lớn về nhu cầu kỹ năng và cơ cấu tuyển dụng, đòi hỏi doanh nghiệp và người lao động phải có những chiến lược thích ứng phù hợp.

https://laodong.vn/thoi-su/nhieu-tap-doan-lon-cat-giam-hon-2-van-lao-dong-rut-khoi-nganh-tai-chinh-ngan-hang-1503507.ldo

HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: