Thời sự
Cập nhật lúc 05:29 08/05/2025 (GMT+7)
Đề xuất biện pháp chống tham nhũng khi làm đường sắt tốc độ cao

Bộ Xây dựng đề xuất quy định phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực khi làm các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.

Đề xuất biện pháp chống tham nhũng khi làm đường sắt tốc độ cao
Việt Nam đang tích cực triển khai dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao. Ảnh minh họa: MRB

Bộ Xây dựng trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt.

Cùng với việc mở các cơ chế chính sách đặc biệt làm dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành cơ chế phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí nhằm phát triển dự án một cách hiệu quả.

Điều 22 dự thảo quy định bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như sau:

Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu các gói thầu EPC, EC, EP, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm cử đại diện tham gia tổ thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu khi được cơ quan có thẩm quyền mời.

Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm kiểm toán hồ sơ tổng mức đầu tư đã được hoàn thiện theo báo cáo thẩm định của cấp quyết định đầu tư để làm cơ sở phê duyệt dự án và gửi kết quả kiểm toán cho cấp quyết định đầu tư trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị kiểm toán.

Lý giải sự cần thiết ban hành Nghị quyết này, Bộ Xây dựng cho biết, về cơ sở thực tiễn, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã có danh mục, lộ trình, dự kiến nhu cầu vốn của các dự án đầu tư xây dựng đường sắt quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt các quy hoạch tỉnh, thành phố trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các trung tâm của tỉnh, thành phố lớn như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ…

Riêng 2 thành phố Hà Nội, và Thành phố Hồ Chí Minh phải cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sáp nhập cả các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương. Theo đó, mạng đường sắt đô thị của thành phố sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với phạm vi địa giới hành chính mới (như tuyến Suối Tiên – Thủ Dầu Một…) và một số địa phương có điều chỉnh địa giới hành chính cũng đã đề xuất đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới (gần đây nhất là Đà Nẵng).

Thực tiễn công tác đầu tư xây dựng các dự án đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị trong thời gian vừa qua cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc tập trung vào các vấn đề chính như: huy động nguồn lực; trình tự thủ tục đầu tư; việc triển khai thực hiện quy hoạch; công tác giải phóng mặt bằng; công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt…

Để tháo gỡ căn bản những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chính phủ đã trình và được Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, 1 Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục triển khai các dự án đường sắt theo quy hoạch (Hà Nội – Đồng Đăng, Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Thủ Thiêm – Long Thành, Suối Tiên – Thủ Dầu Một…) đáp ứng yêu cầu về tiến độ như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, vượt trội tương tự như các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với các dự án đường sắt.

Gần đây, Bộ Xây dựng đã được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư xây dựng 02 tuyến Hà Nội – Đồng Đăng và Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới đã được các cấp có thẩm quyền đánh giá là việc khó, có những dự án được xác định là chưa có tiền lệ và cũng đã cho phép Chính phủ tiếp tục đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

Thực tiễn quá trình triển khai các dự án thời gian qua đã xuất hiện một số vấn đề phát sinh đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách này mới có thể đạt được mục tiêu, tiến độ theo yêu cầu.

Từ cơ sở nêu trên, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để áp dụng chung cho đầu tư xây dựng các dự án đường sắt là rất cần thiết và cấp bách để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, hiện thực hóa mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao đường sắt đô thị theo quy hoạch.

https://laodong.vn/xa-hoi/de-xuat-bien-phap-chong-tham-nhung-khi-lam-duong-sat-toc-do-cao-1503504.ldo

Xuyên Đông (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: