Trang chủCông nhân 360Đời sống Công nhân
Đời sống Công nhân
Cập nhật lúc 08:56 03/04/2023 (GMT+7)
Kéo công nhân lao động ra khỏi màn hình điện thoại

Hiện nay, không ít công nhân lao động bị mạng xã hội thao túng thời gian tâm lí. Công đoàn và đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi để kéo công nhân ra khỏi màn hình điện thoại. Nhiều người biết sắp xếp quỹ thời gian đã trở thành lao động giỏi, lao động xuất sắc được tuyên dương khen thưởng

Kéo công nhân lao động ra khỏi màn hình điện thoại
Anh Phạm Văn Diện tiêu tốn thời gian vào mạng online. Ảnh: Đình Trọng

Xao nhãng công việc vì nghiện review phim, mất tài sản game và cờ bạc online

Vào trong các nhà máy xí nghiệp hiện nay, xuất hiện nhiều hình ảnh công nhân tranh thủ giờ nghỉ giữa ca, nghỉ trưa để chơi game xem review phim trên mạng xã hội. Những đoạn phim ngắn được tóm tắt trên mạng xã hội đã cuốn hút nhiều người. Không chỉ xem review phim trong thời gian nghỉ ở nhà, có người còn tranh thủ xem cả trong giờ làm việc.

Anh Phạm Văn Diện (32 tuổi, một lao động trẻ tại thành phố Thuận An) thừa nhận mình là một trong những người bị nghiện review phim. Ban đầu anh Diện chỉ xem để giải trí sau giờ làm mệt nhọc. Tuy nhiên dần dần số giờ xem tăng lên, có ngày anh Diện giành tới 6 giờ để xem video ngắn trên mạng. Dần dần anh Diện bị nghiện phim vì nó giúp quên đi căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.

"Bình thường mỗi ngày xem video tôi xem từ 4-6 giờ phim trên mạng. Ngày nghỉ thì xem 7-10 giờ liên tục, thậm chí xem nhiều hơn. Tôi cảm thấy bị xa lánh thế giới bên ngoài, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh khi cứ xem phim online nhiều. Nghĩ lại 3 năm qua mình dành quá nhiều thời gian vào xem phim mà lẽ ra thời gian đó phải để đi học thêm các kĩ năng nghề nghiệp" - anh Diện bày tỏ.

Không chỉ nghiện xem phim, có những trường hợp công nhân còn nghiện game. Thậm chí có những trường hợp cá biệt, công nhân trốn ra nhà vệ sinh để chơi game. Trưởng phòng nhân sự công ty may mặc ở KCN Sóng Thần (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, trong công ty có nhiều nam công nhân bị nghiện game online.

Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc của người lao động và chất lượng sản phẩm của công ty. Công nhân thường tranh thủ nghỉ trưa tụ tập chơi game. Cá biệt có trường hợp giả vờ xin đi vệ sinh, tuy nhiên khi vào trong nhà vệ sinh thì chơi game. Công ty đã phải kết thúc hợp đồng lao động với những trường hợp vi phạm nhiều lần.

Từ việc bị mạng xã hội, game thao túng thời gian và tâm lí, có những trường hợp công nhân lao động bị dẫn dụ sa đà vào cờ bạc online. Anh Nguyễn Văn Sáng (33 tuổi, quê Nghệ An) là một trong những nạn nhân của cờ bạc điện tử.

"Năm 2021 trong quá trình làm việc 3 tại chỗ trong công ty, một số đồng nghiệp rủ nạp tiền chơi game trực tuyến. Ban đầu chơi ít, nhưng khi ham vào rồi thì chơi nhiều. Chơi hết tiền rồi thì vay tiền đồng nghiệp chơi. Tới lúc số nợ lên tới 150 triệu đồng bị đòi tôi mới sực tỉnh. Khi đó đã quá muộn, sau khi làm 3 tại chỗ phải về vay mượn tiền người thân để trả nợ" - anh Sáng nói.

Tập hợp thanh niên công nhân tham gia vào những hoạt động vì cộng đồng tránh lãng phí thời gian vào các trò chơi trên mạng xã hội. Ảnh: Đình Trọng
Tập hợp thanh niên công nhân tham gia vào những hoạt động vì cộng đồng tránh lãng phí thời gian vào các trò chơi trên mạng xã hội. Ảnh: Đình Trọng

Giải pháp kéo công nhân ra khỏi màn hình điện thoại

Tại Bình Dương, đoàn thanh niên và công đoàn thực hiện nhiều phương án để kéo công nhân ra khỏi màn hình điện thoại, xích lại gần cộng đồng hơn. Tại thị xã Bến Cát, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ Bình Dương đã thành lập rất nhiều Câu lạc bộ Kết nối thanh niên công nhân. Hiện nay đã có 37 câu lạc bộ được thành lập. Câu lạc bộ Kết nối thanh niên công nhân có thể ở trong một doanh nghiệp, khu công nghiệp hoặc khu dân cư. Hiện nay đã có hơn 1.000 thanh niên công nhân trên toàn tỉnh tham gia trong các câu lạc bộ.

Các hoạt động ở câu lạc bộ vào thời gian nghỉ đã kéo thanh niên công nhân khỏi màn hình điện thoại để xích lại gần với cộng đồng hơn. Thay bằng ở nhà chơi vào buổi tối và ngày nghỉ chủ nhật bước ra bên ngoài tham gia những hoạt động cộng đồng như tuyên truyền an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống dịch bệnh và các hoạt động thiện nguyện.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng mở các buổi nói chuyện chuyên đề, giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp và giáo dục lí tưởng. Những công nhân khó khăn tham gia câu lạc bộ cũng được nhiều hỗ trợ như: Lễ cưới văn minh tiết kiệm, căn phòng mơ ước, tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn sức khỏe, trao tặng vé xe, vé máy bay miễn phí về quê đón Tết.

Ông Đỗ Văn Phùng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ Bình Dương cho biết, ban đầu, câu lạc bộ được thành lập tại thị xã Bến Cát. Thời gian sau, câu lạc bộ hoạt động phát huy được hiệu quả nên đã nhân rộng ra các khu công nghiệp ở các huyện, thị xã khác, đến nay đã có 38 câu lạc bộ.

Trong khi đó, ông Lưu Thế Thuận - Trưởng Ban Tuyên giáo Nữ công LĐLĐ tỉnh Bình Dương, đơn vị vừa triển khai công tác Tuyên giáo Công đoàn năm 2023. LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn cấp trên và công đoàn cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đoàn viên và công nhân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Dương...

Qua hoạt động trên, giúp công nhân hạn chế được thói quen sử dụng mạng xã hội một cách tiêu cực. Đồng thời khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc trong công nhân lao động. Tuyên truyền, vận động để công nhân lao động tại doanh nghiệp hình thành thói quen tự học, tích cực học tập suốt đời.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, Trường Trung cấp nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương sẽ là nơi đào tạo bổ sung kĩ năng nghề nghiệp cho người lao động. Thay vì ở nhà chơi game, xem phim, buổi tối công nhân có thể đến trường để học thêm về kĩ năng sử dụng máy tính, học thêm về ngoại ngữ, các nghề vận hành máy, hoặc nghề nấu ăn...

Không nghiện mạng xã hội, nhiều công nhân trở thành lao động giỏi

Ông Đặng Tấn Đạt - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Dương, đầu năm 2023 có 7 lao động trẻ trực tiếp sản xuất có nhiều sáng kiến trở thành điển hình tiên tiến. Những lao động trẻ này đều biết quản lí quỹ thời gian của mình, hạn chế tối đa thời gian vào các trò chơi giải trí trên mạng xã hội. Họ lên kế hoạch trong công việc và có mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể. Trong khi đó, ở thị xã Bến Cát, có trường hợp công nhân có mục tiêu cụ thể đã trở thành gương điển hình về lao động trẻ khởi nghiệp.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/keo-cong-nhan-lao-dong-ra-khoi-man-hinh-dien-thoai-1173896.ldo

ĐÌNH TRỌNG (Báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: