Hội thảo “Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Better Work Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 26.12.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 cán bộ công đoàn ở các tỉnh, thành phía Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, ngày 19.3.2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới”.
Theo tinh thần chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu: Bảo đảm quyền của người lao động (NLĐ) được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, NLĐ.
Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần cho phát triển bền vững doanh nghiệp và đất nước.
"Việc tăng cường công tác giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc nói chung, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động nói riêng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của tổ chức công đoàn, cần phải có các giải pháp để nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Hội thảo nhằm mục đích đánh giá vai trò của công đoàn trong việc giám sát việc thực hiện pháp luật tập trung vào công tác an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ; góp phần thực hiện khâu đột phá Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam", bà Kim Ngân cho biết.
Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến của cán bộ công đoàn liên quan đến giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc.
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam - Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật hiện hành đều quy định quyền, trách nhiệm giám sát liên quan đến lĩnh vực lao động của tổ chức công đoàn.
Trong giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Công đoàn Việt Nam đã giám sát trên 166.000 cuộc tập trung vào các việc thực hiện pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, BHYT, an toàn vệ sinh lao động, qua đó giúp hơn 27.000 CNVCLĐ được giải quyết các chế độ, chính sách với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 113 tỉ đồng.
“Thông qua giám sát, nhiều hạn chế, bất cập, vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Nhiều kiến nghị, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật được các cấp công đoàn đề xuất, đồng thời trực tiếp thông tin, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, ông Quảng nhấn mạnh.
Hội thảo cũng được nghe ông Lê Đình Quảng giới thiệu một số điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi, bổ sung) năm 2024.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-giam-sat-giup-nguoi-lao-dong-nhan-lai-113-ti-dong-1440970.ldo