Không hào nhoáng như tưởng tượng
Anh Đặng Duy Long (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là cử nhân ngành IT.
Anh Long từng làm việc tại một công ty công nghệ có tiếng, vị trí lập trình viên, mức lương 28 triệu đồng/tháng. Quá trình làm việc, anh Long cộng tác với 1 công ty chuyên lập trình game, có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Năm 2021, anh Long lập gia đình, sinh con. Vì vợ anh là công chức nên hết thời kỳ thai sản, vợ đi làm trở lại, gia đình anh Long khá vất vả trong việc chăm sóc con nhỏ và cân đối công việc. Đúng thời điểm này, công ty lập trình game nơi anh Long cộng tác đề xuất anh về làm toàn thời gian cho họ, trả lương 35 triệu đồng/tháng với KPI về thời gian hoàn toàn thoải mái hơn công ty cũ.
Vài tháng đầu mới đảm nhận “công việc mới nổi”, anh Long rất hài lòng bởi mỗi sáng vợ anh yên tâm đi làm, anh hỗ trợ người giúp việc chăm sóc con. Anh tranh thủ thời gian rỗi trong ngày làm việc cho công ty game, đặc biệt vào buổi tối, khi vợ con đã ngủ, anh Long càng tập trung hơn cho công việc. Nếu đêm trước làm năng suất, hôm sau anh ngủ bù cả ngày.
“Mọi việc bất ổn kể từ tháng thứ 3, tôi bắt đầu mệt mỏi vì làm đêm quá nhiều. Chưa kể, đến giai đoạn yêu cầu về tiến độ, công ty yêu cầu tôi lên văn phòng theo lịch để họp với các nhóm liên quan. Khi các yêu cầu về tiến độ, họp hành không đáp ứng chuẩn chỉnh, tôi bị note lại để trừ lương, có tháng tôi bị trừ hơn 4 triệu đồng”, anh Long nói.
Những ngày này, anh Long đang cố gắng hoàn thành nốt công việc còn dang dở với công ty game. “Sau đó, tôi sẽ nghỉ ngơi chăm con một thời gian rồi tìm việc làm khác. Tôi chấp nhận thu nhập thấp hơn để có công việc ổn định, đỡ áp lực”, anh Long chia sẻ.
Áp lực
Chị Lại Thanh Hà tốt nghiệp Học viện Báo chí. Do ngoại hình sáng, hoạt ngôn, từ năm thứ 3, chị Hà đã cộng tác với 1 thẩm mỹ viện ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Công việc của chị Hà là lên các video review (đánh giá trải nghiệm) các sản phẩm do thẩm mỹ viện cung cấp, từ mỹ phẩm, dịch vụ phun xăm, tắm trắng… Với một sinh viên, thu nhập mỗi tháng ổn định 6-7 triệu đồng khiến chị Hà rất vui và hứng khởi với công việc.
Ra trường, chị Hà không theo ngành báo chí, truyền thông mà về làm hẳn cho thẩm mỹ viện với vai trò phụ trách marketing.
“Bạn bè ai cũng mừng cho tôi vì có công việc ngay khi tốt nghiệp, lương 15 triệu đồng/tháng, có thưởng thêm theo doanh số của công ty. Tuy nhiên, với ngành làm đẹp, chúng tôi đang chịu sự cạnh tranh gay gắt chưa từng thấy. Một là số lượng thẩm mỹ viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội quá đông; hai là nếu không có tiền mời các ngôi sao, người nổi tiếng quảng bá, thì những người làm marketing phải nghĩ được content (nội dung) rất hay, rất độc đáo. Một nhóm nội dung có sáng tạo đến mấy cũng có ngày cạn ý tưởng, trong khi yêu cầu về tăng trưởng lượt tương tác, tiếp cận khách hàng… tăng theo từng quý. Chúng tôi áp lực vô cùng”, chị Hà nói.
Sau 2 năm theo công việc sáng tạo nội dung, chị Hà cho hay, sau khi nhận lương thưởng Tết Nguyên đán năm 2025, chị sẽ nghỉ việc để tìm một công việc khác phù hợp hơn.
Ông Lê Quang Trung – nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng, thực tế không ít lao động chuyển sang công việc tự do hơn sau thời gian làm việc cảm thấy “gò bó” rồi lại muốn quay trở lại công việc cũ. Nhóm này buộc phải tự trau dồi kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, các đơn vị hỗ trợ việc làm cần tích cực kết nối nhóm lao động này với doanh nghiệp, các nhà quản lý cũng nên tạo điều kiện cho người có nhu cầu nắm bắt thông tin về tuyển dụng, việc làm để có thêm cơ hội gia nhập thị trường lao động, tìm được công việc như ý.
https://laodong.vn/cong-doan/hao-huc-voi-viec-lam-moi-noi-lao-dong-tre-vo-mong-1441537.ldo