Công nhân Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan tập trung đòi quyền lợi chế độ thôi việc vào sáng 17.2. Ảnh: Ngọc Anh
Ông Lê Huy Vinh, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, cho biết cuộc đối thoại giữa lãnh đạo và người lao động Công ty Cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan về chi trả chế độ trợ cấp thôi việc không đi đến kết quả, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Trước đó, vào ngày 15.1, Công ty Cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 114/387 công nhân do hoạt động khó khăn, dôi dư lao động. Công ty thông báo sẽ thanh toán trợ cấp thôi việc cho công nhân theo từng tháng, mỗi tháng từ 1-3 triệu đồng, cho đến khi hết số tiền trợ cấp. Ngày 14.2, công ty đã chi trả đợt đầu tiên, mỗi người nhận 2 triệu đồng.
Không đồng tình với cách chi trả trên, sáng 17.2, gần 100 công nhân đã tập trung trước cổng công ty yêu cầu lãnh đạo giải quyết. Họ kiến nghị công ty thanh toán trợ cấp thôi việc một lần, theo đúng quy định pháp luật và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết năm 2023.
Trước sự việc nói trên, LĐLĐ TP Vinh và các cơ quan chức năng đã đến nắm bắt tình hình, đề nghị tổ chức đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.
Tại buổi đối thoại chiều 20.2, đại diện người lao động tiếp tục yêu cầu công ty thanh toán trợ cấp thôi việc một lần để họ có thể ổn định cuộc sống và tìm kiếm công việc mới. Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết do tình hình tài chính khó khăn, không thể thanh toán một lần số tiền hơn 3,1 tỉ đồng cho 114 lao động, mà sẽ chi trả dần hàng tháng. Công ty cũng đề xuất nhận lại những công nhân có nhu cầu quay trở lại làm việc, nhưng đại diện người lao động không chấp nhận.
Đại diện các cơ quan chức năng Nghệ An đề nghị công ty bố trí kinh phí để chi trả trợ cấp thôi việc theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, phía công ty khẳng định đang gặp khó khăn nên không thể bố trí được kinh phí để chi trả một lần.
Việc chi trả trợ cấp thôi việc theo kiểu "trả góp" không chỉ ảnh hưởng đến đời sống hiện tại của công nhân mà còn gây khó khăn trong việc hoạch định tương lai và tìm kiếm công việc mới. Người lao động mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho họ, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Người lao động hy vọng rằng, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự hợp tác từ phía công ty, vấn đề sẽ sớm được giải quyết thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi cho công nhân và ổn định tình hình lao động tại địa phương.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-phan-doi-nhan-tro-cap-thoi-viec-kieu-tra-gop-1467242.ldo