SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG ĐOÀN PHÙ HỢP TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Ngày 11.8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức cuộc họp các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (CĐ) với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình KhangUỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.
Luật Công đoàn 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của đất nước; phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống chính trị - xã hội. Sau hơn 7 năm áp dụng, thực thi Luật CĐ đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đặt ra yêu cầu đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi hoàn thiện nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và hội nhập kinh tế quốc tế.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành, triển khai Kế hoạch số 91/KH-TLĐ ngày 26/11/2019 về thực hiện các hoạt động sửa đổi Luật Công đoàn. Bám sát Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và Kế hoạch 07 của Bộ Chính trị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn tập trung vào 3 chính sách lớn để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, đó là vấn đề: Tổ chức bộ máy; tài chính công đoàn và sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của Luật Công đoàn với Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019. Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung nội dung 13 điều và sửa kỹ thuật 5/33 điều của Luật Công đoàn 2012.
Tại Hội nghị, các thành viên tiếp tục tham gia góp ý sâu vào các vấn đề về tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; quyền gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài; quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tham gia ý kiến, ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị Luật Công đoàn sửa đổi cần làm rõ vai trò của CĐCS và CĐ cấp trên cơ sở đặc biệt là việc xử lý khi có xung đột trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp...
Theo bà Lê Thị Châu – cán bộ khoa Luật, Đại học Công đoàn, việc sửa đổi Luật phải làm rõ được quyền Công đoàn, trong đó bao gồm cả quyền cá nhân và quyền tổ chức, để mỗi người lao động, đoàn viên, cán bộ Công đoàn hiểu rõ được cả trách nhiệm và quyền của mình khi gia nhập tổ chức Công đoàn. Theo bà Châu, cũng cần tính tới lộ trình để mở rộng đối tượng phát triển đoàn viên là người nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập cũng như sự cạnh tranh của các tổ chức người lao động.
Vấn đề về hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới cũng được nhiều thành viên của Ban soạn thảo và tổ giúp việc thảo luận, góp ý. Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng thực tiễn tổ chức và hoạt động của Công đoàn nhiều thập kỷ qua cho thấy nguồn thu kinh phí công đoàn cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức Công đoàn có nguồn lực đủ để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, chăm lo tốt hơn cho người lao động…Đối với CĐCS, phần kinh phí này giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo để CĐCS hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là để chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đình Khang khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đồng bộ với hệ thống pháp luật của Việt Nam; phù hợp với hoạt động CĐ trong tình hình mới, nhưng phải thực chất. Tổ chức CĐ là một tổ chức chính trị - xã hội, việc sửa đổi phải làm sao tổ chức CĐ phải mạnh lên trong bối cảnh tình hình mới. “Những ý kiến đóng góp của cuộc họp sẽ được bổ sung, hoàn thiện, làm đầy đủ, sâu sắc hơn các nội dung của dự án Luật, đảm bảo chất lượng trước khi gửi hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội”- đồng chí cho biết.
ĐẶNG LỢI