Phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của NLĐ tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn và phá sản
Sáng 04/6, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về cách thức phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của NLĐ tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn và phá sản”. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu tới dự. Tham dự Hội thảo có gần 40 đại biểu là cán bộ Công đoàn, cán bộ tòa án nhân dân tối cao, tổng cục thi hành án, Bộ LĐTBXH, Bộ KHĐT, chuyên gia của ILO…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, thời gian qua, liên quan đến các trường hợp DN phá sản, có chủ bỏ trốn, CĐ các cấp đã phối hợp chính quyền địa phương giải quyết, đạt nhiều kết quả. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là khoảng trống pháp lý và trách nhiệm trong giải quyết những vụ việc này. Có trường hợp CĐ nhiều lần kiến nghị chính quyền hỗ trợ trả lương cho NLĐ trong DN có chủ bỏ trốn, nhưng chính quyền kiên quyết không hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp lý còn đang bỏ ngỏ. Theo Phó Chủ tịch, cần có giải pháp lựa chọn thu hút các nhà đầu tư; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên địa bàn để sớm phát hiện các trường hợp chủ DN bỏ trốn...

Phó Chủ tịch TLĐ Ngọ Duy Hiểu khai mạc Hội thảo
Báo cáo thực trạng tình hình giải quyết quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn tại Việt Nam giải đoạn 2016 – 2018, bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN cho biết, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2018, số nợ BHXH, BHTN phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng. Riêng đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn tính tính đến tháng 9 năm 2018 là 2.270 doanh nghiệp với số nợ BHXH phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng; ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người lao động.lCơ quan BHXH và các cơ quan liên quan như tòa án nhân dân tối cao, cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu nợ; tiến hành thanh tra, phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn thực hiện công tác thanh tra, xử phạt, thu hồi nợ; thực hiện khởi tố hình sự một số vụ án điểm; chốt sổ BHXH cho NLĐ... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc rất khó khăn trong giải quyết quyền lợi người lao động do những vướng mắc về quy trình, quy định pháp lý... Để giải quyết quyền lợi cho NLĐ tại các DN này, Công đoàn các cấp đã kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi NLĐ với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Nhiều vụ việc phải tạm ứng từ ngân sách Công đoàn để đóng tiền BHXH cho NLĐ với số tiền ước tính gần 1,4 tỷ đồng. Qua sự hỗ trợ bảo vệ của tổ chưc CĐ, NLĐ đã được thanh toán gần 99 tỷ đồng tiền nợ lương, BHXH, trợ cấp…

Đại biểu tham dự Hộ thảo chụp ảnh lưu niệm
Tại Hội thảo, đại diện Tòa án Nhân dân tối cao, Tổng Cục thi hành án đã tham luận, trao đổi về việc thụ lý và xét xử các vụ việc yêu cầu phá sản doanh nghiệp; Thực trạng và những khó khăn, vướng mắc khi thi hành án trong vụ việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng đã thảo luận về tình hình thành lập, giải thể doanh nghiệp; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng ngừa và giải quyết vụ việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn; Công ước của ILO về vấn đề bảo vệ lương của người lao động và trách nhiệm của cơ quan nhà nước…
Theo Chương trình Hội thảo, ngày 05/6, các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn giải quyết vấn đề doanh nghiệp bỏ trốn và phá sản tại địa phương và trách nhiệm của các đối tác liên quan; Cách thức, quy trình công đoàn tổ chức phòng ngừa và tham gia giải quyết quyền lợi của NLĐ trong vụ việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn; Một số cơ chế để công đoàn và các cơ quan có liên quan thực hiện nhằm bảo vệ hiệu quả quyền lợi người lao động…
Đ.T.L