Lấy ý kiến góp ý của cán bộ công đoàn và người lao động vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Ngày 2.5.2019, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Ngọ Duy Hiểu ký ban hành văn bản số 618/TLĐ về việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để làm cơ sở cho việc xây dựng, thống nhất quan điểm của các cấp công đoàn tham gia với Nhà nước về những vấn đề trong Dự thảo, thể hiện rõ vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Công văn yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thông tin rộng rãi đến người lao động và cán bộ công đoàn các cấp về nội dung Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để người lao động, cán bộ công đoàn chủ động cập nhật, nghiên cứu và tham gia góp ý.
Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo sự tham gia của đông đảo người lao động; các ý kiến tổng hợp cần phản ánh được ý chí và nguyện vọng của đa số người lao động. Trong đó, tập trung vào các nhóm nội dung về hợp đồng lao động và mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm tối đa; tiền lương; điều chính tuổi nghỉ hưu; thương lượng tập thể; giải quyết tranh chấp lao động và đình công; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; những quy định riêng đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới; thời gian nghỉ Tết Âm lịch và bổ sung thêm 01 ngày nghỉ lễ (ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7) và các vấn đề khác.
Quá trình lấy ý kiến cần nắm chắc tình hình tư tưởng và phản ứng của đoàn viên, người lao động, tránh để các phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo. Theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, cần chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời giải quyết, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị chủ động tiếp xúc và phản ánh quan điểm, đề xuất của người lao động, cán bộ công đoàn về các nhóm nội dung cơ bản trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đến Đoàn đại biểu Quốc hội và trực tiếp đại biểu Quốc hội các địa phương, tạo cơ sở cho Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự thảo tại kỳ họp thứ 7, tháng 5.2019.
Ngọc Tú