Tăng cường tuyên truyền về vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam
Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục người lao động, người sử dụng lao động về bản chất, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam và tổ chức của người lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2010 đối với phong trào công nhân, công đoàn hiện nay.
Ảnh: Minh họa
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, trong đó nổi bật nhất là việc ký kết các hiệp định kinh tế thế hệ mới như: Hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu (EVFTA), ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Để phù hợp với các quy định quốc tế, Quốc hội đã nghiên cứu, điều chỉnh và sửa đổi một số quy định của pháp luật, trong đó có Bộ luật Lao động năm 2019. Điều 170, Bộ luật Lao động năm 2019, quy định quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gồm
- Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.
- Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.
- Các tổ chức đại diện người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động” (1)
Việc cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp ngoài công đoàn là tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây là việc chưa có tiền lệ về hệ thống tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tồn tại song song với Công đoàn Việt Nam, điều đó đặt ra những thách thức trong công tác quản lý nhà nước và tiềm ẩn phức tạp về an ninh quốc gia. Theo PGS, TS. Bùi Đình Bôn, Nguyên Thư ký chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương “Ở Việt Nam hiện nay, nền tảng lý luận về tổ chức của người lao động chưa tường minh, nội hàm về “tính độc lập” của tổ chức này chưa được xác định rõ và thiếu trải nghiệm về thực tế. Trường hợp để các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bị hướng lái, biến tướng thành các “công đoàn độc lập” hoặc “nghiệp đoàn độc lập” sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của công đoàn, là mầm mống hình thành tổ chức đối lập ở Việt Nam” (2)
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước gia tăng hoạt động truyền thông nhằm gây sức ép để Việt Nam sớm ban hành các quy định của pháp luật cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhằm tiến hành chiêu bài thành lập các tổ chức lao động bất hợp pháp. “Các thế lực này tìm cách tạo áp lực, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện một số chế độ, chính sách, quyền lợi ngoài quy định của doanh nghiệp và Bộ luật Lao động; yêu cầu cung cấp thông tin về người lao động, bảng lương; lấy lý do điều tra xã hội học phục vụ công tác nghiên cứu để tìm hiểu đời sống công nhân tại doanh nghiệp, chế độ, giờ giấc làm việc, việc đối xử của doanh nghiệp với công nhân…” (3).
Cùng với đó là lợi dụng triệt để cái gọi là “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do” để công kích, xuyên tạc vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nêu quan điểm sai trái rằng chỉ những “Công đoàn độc lập”, công đoàn tự do, không thuộc đảng phái nào mới thực sự bảo vệ quyền lợi của người lao động. Các lợi dụng mâu thuẫn giữa người lao động với người sử dụng lao động về các vấn đề như: Tiền lương hoặc trừ các khoản phụ cấp, các quy định lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về an toàn lao động... Từ đó dẫn đến kích động người lao động tụ tập đông người, tập hợp khiếu kiện, ngừng việc tập thể.
Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục người lao động, người sử dụng lao động về bản chất, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam và tổ chức của người lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019 đối với phong trào công nhân, công đoàn hiện nay. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng giúp công nhân, người lao động, người sử dụng lao động hiểu đúng, thực chất về tổ chức công đoàn, về sự ra đời của người lao động tại doanh nghiệp ở Việt Nam. Chỉ trên cơ sở nhận thức rõ ràng, đúng đắn về công đoàn, thông suốt về mặt tư tưởng mới có thể điều chỉnh hành vi, định hướng cho công nhân, người lao động trong việc lựa chọn để gia nhập tổ chức công đoàn thích hợp vì lợi ích của chính mình và vì sự phát triển tích cực, ổn định của đất nước.
Tài liệu tham khảo
(1) Bộ Luật Lao động năm 2019.
(2) Trích https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/824270/view_content.
(3) Trích https://www.sggp.org.vn/that-gia-to-chuc-dai-dien-nguoi-lao-dong-bai-1-nup-bong-de-kich-dong-post760389.html