Sáng 18.12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học chế độ, chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn là đoàn viên công đoàn.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; bà Vũ Thị Giáng Hương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì.
Tham luận tại hội thảo, thầy giáo Đinh Văn Huấn, đoàn viên công đoàn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mai Long (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nêu lên những khó khăn về điều kiện sinh hoạt của giáo viên vùng cao.
Theo vị hiệu trưởng, nhiều thầy, cô giáo công tác ở vùng cao “3 không - không đường, không điện, không sóng điện thoại”, đặc biệt có những nơi “4 không - không đường, không điện, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt”.
Buổi tối soạn giáo án phải buộc đèn pin trên đầu, điện thoại “cục gạch” được treo bằng dây cố định ở một nơi nào đó thỉnh thoảng mới có thể được nghe tiếng gọi của người thân trong gia đình.
Theo thầy Đinh Văn Huấn, tại một số điểm trường vùng cao, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra quanh năm, trong đó vào thời điểm mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm) càng trở nên trầm trọng. Nguyên nhân chính là do các trường, điểm trường được xây dựng trên vị trí cao, thuộc vùng khô hạn, không có nước hoặc ở xa nguồn nước nên không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt…
Giải pháp tạm thời của các trường là vận động học sinh trên đường đến trường chủ động lấy nước tại các khe suối, bể nước chung... đem đến trường để phục vụ nhu cầu sinh hoạt; đội ngũ giáo viên khắc phục bằng cách hứng nước mưa lưu trữ trong các bể, téc nước, thùng phi, thùng nhựa... và sử dụng tiết kiệm.
Theo hiệu trưởng, trên địa bàn xã Mai Long, nơi ở của các thầy cô điểm trường là những căn phòng ghép gỗ, nền đất, lợp fibro xi măng, ẩm thấp được phụ huynh học sinh và giáo viên dựng lên ở tạm (nhưng lại thành ở thường xuyên và lâu dài).
Giải pháp trong những ngày mưa gió, thầy cô sinh hoạt tại nhà công vụ (nhà dựng tạm) chỉ lo gió to tốc mái, chẳng ai bảo ai thầy cô tự “lánh tạm xuống gầm giường”, nơi an toàn nhất trong những căn phòng công vụ tạm làm bằng gỗ, tre... và được quây xung quanh bằng những tấm bạt để ngăn gió lùa.
"Nhưng, thầy cô vẫn gắn bó với nơi đây, không chỉ vì đam mê nghề nghiệp, mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng, dù cho cuộc sống cá nhân phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có cả những đêm thấp thỏm không yên lo sợ mưa giông, gió lốc", thầy Huấn chia sẻ.
Thầy Đinh Văn Huấn kiến nghị trong quy hoạch trường, lớp tại các trường, điểm trường cần quan tâm dành quỹ đất, nguồn lực xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho giáo dục tại các địa bàn khó khăn, biên giới, nâng cao chất lượng dạy và học.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay đã có chính sách ưu tiên, đặc thù đối với giáo viên ở miền núi, nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập.
Nhiều chế độ chính sách chưa thực sự thỏa đáng so với đóng góp, hy sinh của nhà giáo; việc áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù gặp khó khăn trong triển khai tại một số địa phương; chế độ phụ cấp mặc dù đã khá cao so với mặt bằng chung về lương nhưng chưa đủ hấp dẫn để giữ chân nhiều thầy cô giáo...
Khó khăn về điều kiện sinh hoạt đối với giáo viên cũng là vấn đề nan giải hiện nay: Đường xá, thiếu nhà ở kiên cố, thiếu nước sạch, thiếu điện...
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, với tư cách là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm nghiên cứu, đề xuất các chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn là đoàn viên công đoàn với mong muốn chăm lo tốt nhất, đảm bảo các điều kiện để giáo viên cống hiến; tăng cơ hội cho các em vùng khó khăn được đến trường...
https://laodong.vn/cong-doan/hoi-thao-ve-che-do-chinh-sach-voi-giao-vien-vung-kho-khan-1436983.ldo