Thông tin về việc một số lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị đối tượng cắt ghép, tạo hình ảnh nhạy cảm để đe dọa tống tiền, hoặc hạ uy tín cán bộ, lãnh đạo được dư luận quan tâm.
Câu hỏi đặt ra, việc ghép ảnh “nhạy cảm” để tống tiền sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Bùi Công Thiệu - Văn phòng Luật sư Phương Minh, Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết, theo quy định tại Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015, thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ việc sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hay hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Do đó, việc ghép ảnh “nhạy cảm” để tống tiền là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người có hành vi nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điểm I, khoản 4, Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, quy định người có hành vi viết, phát tán, lưu hành tài liệu, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Người có hành vi trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Điểm a, Khoản 1, Khoản 3, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, quy định: Trong trường hợp có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội thì sẽ có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và người có hành vi trên còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Luật sư Thiệu cho biết thêm, người có hành vi ghép hình ảnh “nhạy cảm”, đưa thông tin sai sự thật để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Tùy mức độ vi phạm, quy mô, tổ chức, hình thức thực hiện, hậu quả gây ra với người bị vu khống, mà khung hình phạt từ 1 năm đến cao nhất là 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
https://laodong.vn/tu-van-phap-luat/ghep-anh-nhay-cam-tong-tien-lanh-dao-bi-xu-ly-the-nao-1435220.ldo