Thời sự
Cập nhật lúc 08:02 06/04/2025 (GMT+7)
Việt Nam vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng đa dạng và bền vững, Việt Nam nổi lên là điểm đến chiến lược nhờ vị trí thuận lợi và chính sách thu hút đầu tư.

Việt Nam vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Hải Nguyễn

Một trong những khoản đầu tư đáng chú ý đến từ JBS - tập đoàn chế biến thịt hàng đầu Brazil. Công ty này đã công bố kế hoạch rót 100 triệu USD để xây dựng hai nhà máy tại Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm từ thịt bò, lợn, gà với nguyên liệu nhập từ Brazil. Ngoài thị trường nội địa, JBS còn đặt mục tiêu xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Hội kiến Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 28.3.2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp lớn của Brazil đang cân nhắc đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn JBS trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, tập đoàn Amkor Technology (Mỹ), chuyên về đóng gói và thử nghiệm chip, dự kiến đầu tư 1,6 tỉ USD tại nhà máy rộng 200.000m2 ở Việt Nam. Amkor khẳng định đây sẽ là cơ sở hiện đại nhất mà công ty từng sở hữu. Tương tự, theo Reuters, Hana Micron (Hàn Quốc) cũng có kế hoạch rót 930 triệu USD để mở rộng sản xuất chip điện tử.

Không chỉ thu hút các dự án trong tương lai, Việt Nam hiện là địa điểm sản xuất quan trọng của Intel - một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Nhà máy của Intel tại Việt Nam giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Bên cạnh công nghiệp và công nghệ cao, lĩnh vực bất động sản và du lịch cao cấp cũng ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế. Tổ chức Trump Organization cùng một đối tác trong nước đang triển khai các dự án sân golf, khách sạn và khu nghỉ dưỡng trị giá hàng tỉ USD, trong đó dự án đầu tiên gần Hà Nội có vốn đầu tư 1,5 tỉ USD, dự kiến khởi công vào tháng 5 tới.

Theo nhiều nguồn tin quốc tế, Việt Nam có vị trí địa lý đắc địa, nằm gần tuyến đường thủy thương mại sầm uất nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Đồng thời, Việt Nam cũng là cửa ngõ giúp các doanh nghiệp quốc tế dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.

Nhờ lợi thế này, Việt Nam đã phát triển hệ thống khu công nghiệp theo từng khu vực, tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài. Miền Bắc thu hút các tập đoàn điện tử lớn như Samsung và LG. Tại miền Nam, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế quan trọng với hệ thống logistics hiện đại. Trong khi đó, miền Trung ngày càng được chú ý nhờ hạ tầng phát triển mạnh mẽ.

Để đón làn sóng đầu tư này, Việt Nam không ngừng hoàn thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ triển khai nhiều chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ đầu tư, đồng thời tham gia các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy dòng vốn quốc tế.

Triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 163/NQ-CP, Chính phủ đẩy mạnh cải thiện hạ tầng và đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Các dự án giao thông trọng điểm được đầu tư mạnh mẽ, kết nối hiệu quả các trung tâm công nghiệp và logistics. Cải cách hành chính cũng được đẩy nhanh, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong môi trường kinh doanh.

https://laodong.vn/kinh-doanh/viet-nam-vuon-len-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau-1486619.ldo

BÙI ĐỨC (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: