Thời sự
Cập nhật lúc 08:31 09/04/2025 (GMT+7)
Đối tượng nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy

Bộ Nội vụ thông tin về đối tượng nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy theo Nghị định 67/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2024.

Đối tượng nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy
Chính phủ sửa đổi Nghị định 178/2024, bổ sung bốn nhóm hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi khi tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị. Ảnh minh họa: Hương Nha

Ông Lê Văn Thanh (tên nhân vật được thay đổi) đã có thắc mắc liên quan đến chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quy định tại Nghị định số 178/2024 ngày 31.12.2024.

Trước tháng 8.2024, ông Thanh công tác tại một trường tiểu học thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình và giữ chức vụ hiệu trưởng. Từ ngày 8.8.2024, đơn vị này sáp nhập với một đơn vị trường THCS cũng thuộc địa bàn huyện.

Thời điểm đó, ông Thanh được UBND huyện bố trí giữ chức vụ phó hiệu trưởng. Sau sáp nhập, trường học nơi ông công tác có 3 phó hiệu trưởng và ông Thanh thuộc diện cán bộ dôi dư.

"Nay tôi muốn nghỉ hưu theo chế độ tại Nghị định 178 thì có đủ điều kiện không? Rất mong được Bộ Nội vụ giải đáp" - ông Thanh đề nghị.

Liên quan đến phản ánh, kiến nghị của ông Thanh, Bộ Nội vụ đã có phản hồi trên Cổng thông tin điện tử.

Bộ Nội vụ cho biết, ngày 15.3.2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2024 về chính sách, chế độ đối với CBCCVC, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó đã quy định cụ thể đối tượng áp dụng của Nghị định số 178/2024.

Theo Nghị định 67/2025 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 178/2024), nhóm đầu tiên được bổ sung vào diện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi là CBCCVC lãnh đạo, quản lý có nguyện vọng nghỉ việc để tạo điều kiện trong sắp xếp CBCCVC lãnh đạo, quản lý.

Nhóm thứ hai là CBCCVC, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước trước ngày 15.1.2019 và lực lượng vũ trang còn đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, không chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhưng phải tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Nhóm thứ ba là người làm việc trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện chịu tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy.

Nhóm thứ tư là cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm; cán bộ đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm cấp ủy cùng cấp, có thời gian công tác tính từ ngày bắt đầu tổ chức đại hội còn từ 2,5 năm (30 tháng) đến 5 năm (60 tháng) đến đủ tuổi nghỉ hưu và cán bộ đang tham gia cấp ủy ở các đảng bộ phải kết thúc hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy còn 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện sắp xếp nhân sự cấp ủy trong kỳ đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 17, 19 Nghị định số 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2025), việc đồng ý cho CBCCVC và người lao động nghỉ và hưởng chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định số 178/2024 thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng với cấp ủy, chính quyền cùng cấp.

Do đó, Bộ Nội vụ đã đề nghị ông Thanh nghiên cứu các quy định nêu trên để xác định xem bản thân có thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 178/2024 hay không.

https://laodong.vn/thoi-su/doi-tuong-nghi-huu-truoc-tuoi-khi-tinh-gon-bo-may-1488769.ldo

HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: