TPHCM sẽ giải tỏa 61 hộ dân xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
TPHCM dự kiến sẽ giải tỏa 61 hộ dân để triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, kéo dài 13,64 km qua địa bàn thành phố.
Vị trí xây dựng ga Thủ Thiêm - nhà ga cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Anh Tú
Ngày 6.4, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) có tổng chiều dài khoảng 13,64 km.
Điểm đầu của tuyến nằm tại phường Long Phước (TP Thủ Đức), giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, và điểm cuối tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM.
Tuyến đường này sẽ chạy song song với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đi qua nút giao thông An Phú trên đường Mai Chí Thọ trước khi rẽ vào ga Thủ Thiêm.
Dự án sẽ thu hồi khoảng 110,6 ha đất, trong đó khoảng 20,7 ha là đất trồng cây lâu năm, 0,86 ha là đất ở đô thị, và phần còn lại là đất thuộc các mục đích khác.
Đặc biệt, dự án cần giải tỏa 61 hộ dân nằm trên tuyến đường sắt.
Ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM) nằm gần nút giao An Phú. Ảnh: Anh Tú
Ga Thủ Thiêm sẽ là ga cuối cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Ga này có diện tích 17,2 ha, tọa lạc tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Ga Thủ Thiêm được xác định là trung tâm giao thông quan trọng, kết nối ba tuyến đường sắt lớn: tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến Metro số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm).
Với vị trí chiến lược nằm giữa hai trục đường lớn là đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của, ga Thủ Thiêm không chỉ là điểm giao thương quan trọng mà còn sẽ là biểu tượng mới cho Khu đô thị Thủ Thiêm.
Đây cũng là vị trí đắc địa, ngay đầu tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và gần nút giao thông An Phú, khu vực này sẽ trở thành trung tâm kết nối giao thông giữa TPHCM và các tỉnh lân cận.
Hiện tại, diện tích dành cho ga Thủ Thiêm đã được quây tôn và rào chắn, chủ yếu là đất trống và đầm lầy, đang chờ triển khai xây dựng.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541 km, nối liền thủ đô Hà Nội và TPHCM.
Tuyến đường này sẽ đi qua 20 tỉnh thành, trong đó điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TPHCM).
Tuyến đường được thiết kế với tốc độ tối đa lên tới 350 km/h, vận chuyển hành khách và hàng hóa, đồng thời phục vụ cả mục đích quốc phòng và an ninh.
Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 1,713 triệu tỉ đồng (67 tỉ USD) từ nguồn ngân sách và vốn hợp pháp khác.
Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11.2024 và yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025 với mục tiêu là cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2035.
https://laodong.vn/xa-hoi/tphcm-se-giai-toa-61-ho-dan-xay-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-1487800.ldo
MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)