Tín dụng tăng mạnh, thị trường tài chính hưởng lợi tích cực
Trong những tháng đầu năm 2025, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển biến tích cực ở nhiều kênh tài chính. Đáng chú ý nhất là tăng trưởng tín dụng - yếu tố được xem như “máy bơm máu” cho nền kinh tế - đã có tín hiệu phục hồi rõ rệt, tạo hiệu ứng lan tỏa đến thị trường trái phiếu, chứng khoán và toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Không chỉ ở dòng vốn tín dụng, dòng tiền trên thị trường tài chính cũng có những chuyển biến tích cực. Ảnh: Hải Nguyễn
Tín dụng tăng sớm, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn
Chia sẻ tại Hội nghị về tăng trưởng tín dụng tại Khu vực 6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến ngày 12.3.2025, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 1,24% so với cuối năm 2024. Đây là mức tăng đáng ghi nhận, đặc biệt nếu so với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm tín dụng sụt giảm 0,74% do nhiều yếu tố bất lợi từ kinh tế toàn cầu lẫn trong nước.
Tín hiệu tăng trưởng sớm cho thấy dòng vốn đã bắt đầu chảy mạnh vào sản xuất - kinh doanh, thay vì nằm chờ như giai đoạn đầu năm 2024. Điều này phần nào phản ánh tâm lý của doanh nghiệp đã cải thiện, khi họ mạnh dạn vay vốn mở rộng hoạt động thay vì tiếp tục thắt chặt chi tiêu.
Để thúc đẩy xu hướng này, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, cơ quan điều hành liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm rút ngắn quy trình cho vay, khuyến khích chuyển đổi số, tăng cường áp dụng xếp hạng tín dụng nội bộ để cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
TS Châu Đình Linh - giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - nhấn mạnh rằng có sự tương hỗ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Khi tín dụng tăng, các doanh nghiệp và cá nhân có thêm nguồn vốn để đầu tư và tiêu dùng, từ đó thúc đẩy GDP. Ngược lại, khi kinh tế tăng trưởng, nhu cầu vốn cũng gia tăng, thúc đẩy tín dụng. Với mục tiêu GDP năm 2025 tăng 8%, ông cho rằng, mục tiêu của NHNN là đúng khi tăng trưởng tín dụng cần đạt khoảng 16% để hỗ trợ mục tiêu này.
Trái phiếu Chính phủ thu hút dòng tiền nhàn rỗi
Bên cạnh tín dụng, thị trường trái phiếu Chính phủ cũng đang được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào. Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại dư thừa vốn ngắn hạn, việc mua vào trái phiếu Chính phủ trở thành lựa chọn an toàn và sinh lời ổn định.
Theo tìm hiểu, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đặt kế hoạch phát hành 500.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong năm 2025, với 111.000 tỉ đồng dự kiến huy động trong quý I. Tính đến hết tháng 2.2025, KBNN đã huy động được 45.111 tỉ đồng qua đấu thầu TPCP, đạt 41% kế hoạch quý I và 9% kế hoạch cả năm.
Trên thị trường thứ cấp, tại thời điểm ngày 28.2.2025, tổng giá trị niêm yết TPCP đạt 2.255.932 tỉ đồng. Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể khi giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng đạt 13.348 tỉ đồng, tăng 28,14% so với tháng trước.
Triển vọng tích cực cho cả năm nhưng tránh chủ quan
Việc tín dụng tăng trở lại ở quý I - vốn là giai đoạn thấp điểm theo chu kỳ - là tín hiệu cho thấy năm 2025 có thể sẽ là năm khởi sắc hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu các chính sách hỗ trợ tiếp tục được duy trì và độ trễ chính sách phát huy hiệu quả, nhiều chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt hoặc vượt mục tiêu 16%, qua đó tạo động lực lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền tài chính.
TS Vũ Mai Chi - Phó bộ môn Tiền tệ ngân hàng, Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng - cho rằng, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng - đánh dấu giai đoạn tăng tốc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề vững chắc bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, hướng tới thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Mặc dù những kết quả tích cực đạt được trong quý I là cơ sở thuận lợi cho các mục tiêu trong các quý tiếp theo, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức phải đối mặt, nhất là những yếu tố bất lợi từ bên ngoài, khó đoán định.
Đánh giá toàn bộ các yếu tố thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, TS Vũ Mai Chi cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào một loạt yếu tố khác, bao gồm sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn qua các kênh thị trường, và sự ổn định của các yếu tố vĩ mô trong nền kinh tế.
https://laodong.vn/kinh-doanh/tin-dung-tang-manh-thi-truong-tai-chinh-huong-loi-tich-cuc-1484520.ldo
Minh Ánh (BÁO LAO ĐỘNG)