Hạn cuối báo cáo Trung ương về sắp xếp lại đơn vị hành chính
Đảng ủy Chính phủ có nhiệm vụ hoàn thiện tờ trình, đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp để báo cáo Trung ương.
Cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp hồi giữa tháng 3.2025. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 31.3, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến, Kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc vào ngày 5.5 và bế mạc ngày 30.6.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017.
Theo quy định, việc sửa Hiến pháp sẽ phải tiến hành lấy ý kiến nhân dân. Dự kiến việc lấy ý kiến nhân dân trong 1 tháng, tổng hợp trong 5 ngày, thời gian lấy ý kiến diễn ra trong tháng 5, tháng 6.
Nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đã được Ban Chỉ đạo Trung ương nêu cụ thể tiến độ thực hiện tại Công văn số 43-CV/BCĐ.
Trong đó, Đảng ủy Quốc hội tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, hoàn thiện đề án, tờ trình và gửi tài liệu, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương (qua Văn phòng Trung ương Đảng) trước ngày 1.4.2025 về đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Báo cáo về công tác hoàn thiện thể chế (bao gồm việc sửa đổi các quy định của Đảng, sửa đổi Hiến pháp, pháp luật,…).
Đảng ủy Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các địa phương, cơ quan, đơn vị, hoàn thiện tờ trình, đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp báo cáo Bộ Chính trị.
Đảng ủy Chính phủ sau đó tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, hoàn thiện tờ trình, đề án và gửi tài liệu báo cáo Ban Chấp hành Trung ương (qua Văn phòng Trung ương Đảng) trước ngày 1.4.2025.
Hiện nay, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến góp ý.
Theo dự thảo Luật, Bộ Nội vụ đề xuất chính quyền cấp huyện sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và dừng hoạt động kể từ ngày 1.7.2025.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định, tổ chức chính quyền địa phương ở phường thuộc TPHCM và TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục thực hiện cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2026-2031 được bầu ra.
Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 diễn ra ngày 25.3, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, từ cuối tháng 4 đến tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp liên tục để sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp để có bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Dự kiến, sau sắp xếp giảm 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm 60-70% đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Kỳ họp thường kỳ thứ 9 dự kiến họp gần 2 tháng; trong thời gian này sẽ lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp.
Trước đó, tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra ngày 18.3, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự kiến, chúng ta sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30.6 để đến ngày 1.7, các đơn vị hành chính cấp xã được vận hành theo tổ chức mới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thông tin, các cơ quan sẽ tập trung hoàn thiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30.8 để có thể thực hiện được ngay việc vận hành đơn vị hành chính cấp tỉnh bắt đầu từ ngày 1.9.
https://laodong.vn/thoi-su/han-cuoi-bao-cao-trung-uong-ve-sap-xep-lai-don-vi-hanh-chinh-1484514.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)