Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên đòi hỏi những giải pháp đột phá, khả thi nhằm khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, đưa đất nước phát triển.
Động lực nào để GDP tăng trưởng 8% trở lên? Đồ họa: Thạch Lam
Điểm tên 8 động lực tăng trưởng
Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Tình hình năm 2025 dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn và thách thức nhiều hơn, nhưng cũng có các cơ hội, thời cơ mới từ sự thay đổi của cục diện kinh tế, chính trị thế giới, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư toàn cầu và các xu thế lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế xanh... có thể tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế nước ta.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% trở lên trong năm nay có 8 động lực tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Một là những thành tựu của đất nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương sau 40 năm đổi mới, tạo vị thế, uy tín và động lực cho tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Hai là áp dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kết, rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024.
Ba là tư duy mới, cách làm mới, thể chế mới, đột phá và các chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM và các địa phương được áp dụng cơ chế thí điểm, đặc thù.
Thứ tư là hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.
Thứ sáu, Quốc hội đã cho phép điều chỉnh các chỉ tiêu lạm phát, bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài... tạo điều kiện để đẩy mạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.
Thứ bảy, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước; các nguồn lực bị ách tắc, lãng phí được đưa ngay vào nền kinh tế.
Tám là chính sách, quy định mới, đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Chuẩn bị ứng phó với thách thức và rủi ro
Trong bối cảnh dự báo tăng trưởng 8% của nền kinh tế Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho rằng lạm phát tăng lên 4% sẽ không phải là yếu tố rủi ro lớn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng điều này có thể gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng nếu thu nhập của họ không được cải thiện.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh đánh giá, trong 15 năm qua, Việt Nam đã từng đối mặt với mức lạm phát tương tự và Chính phủ đã áp dụng những biện pháp hiệu quả để điều chỉnh. Do đó, nếu lạm phát xảy ra sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là rủi ro.
Vị chuyên gia này cảnh báo các doanh nghiệp cần chuẩn bị đối phó với sự biến động của đồng Việt Nam, đồng thời không loại trừ khả năng lãi suất vay sẽ tăng cao hơn trong năm 2025. Đặc biệt, bà lưu ý rằng doanh nghiệp cần phòng ngừa rủi ro về tỉ giá hối đoái, dù đồng Việt Nam ổn định hơn so với các đồng tiền khác.
Về lâu dài, bà Hạnh cho khuyến nghị doanh nghiệp cần phân bổ rủi ro qua việc điều chỉnh sản lượng trong nước và kiểm soát chi phí nhân công, nguyên vật liệu. Đồng thời đa dạng hóa nhu cầu của doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro.
Mặc dù chưa có thông tin về tác động của chính sách thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, gạo, thủy sản và giày dép, tuy nhiên các sản phẩm như bán dẫn có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan mới dự kiến áp dụng vào tháng 4.
Theo các chuyên gia, dù đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có hiệu suất tốt nhất trong khu vực và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để không bị động trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động.
https://laodong.vn/kinh-doanh/tim-kiem-dong-luc-de-gdp-tang-truong-8-tro-len-1467636.ldo
THẠCH LAM (BÁO LAO ĐỘNG)