Bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh là bước đột phá mạnh mẽ
Việc nghiên cứu sắp xếp bỏ cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh được xem là một bước đột phá mạnh mẽ, tạo động lực mới để đất nước phát triển.
Việc nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Khẳng định tầm nhìn chiến lược, quyết tâm đổi mới
Mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 126-KL/TW về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Kết luận 126-KL/TW giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).
Xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - cho rằng, đây là một chủ trương mang tầm chiến lược, thể hiện tư duy cải cách, đột phá mạnh mẽ nhằm xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng việc nghiên cứu bỏ cấp huyện, sáp nhập một số tỉnh là một bước đột phá mạnh mẽ. Ảnh: T.Vương
Về định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đây là một bước đi cần thiết, đặc biệt là đối với những địa phương có quy mô dân số nhỏ, diện tích không quá lớn hoặc chưa thực sự tối ưu về nguồn lực phát triển.
Việc sáp nhập này không chỉ giúp tinh gọn bộ máy hành chính, tiết kiệm ngân sách mà còn tạo điều kiện để quy hoạch, phân bổ nguồn lực một cách hợp lý hơn, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền.
“Đây là quyết tâm rất cao của Bộ Chính trị trong việc thúc đẩy cải cách hành chính một cách toàn diện và triệt để” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính không chỉ là câu chuyện về tinh giản bộ máy, mà quan trọng hơn là để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đảm bảo sự ổn định về chính trị - xã hội và không làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục tại địa phương.
“Đây không chỉ là một cuộc cải tổ hành chính, mà còn là sự khẳng định về tầm nhìn chiến lược, sự quyết tâm đổi mới để Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia phát triển, hiện đại và thịnh vượng” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Thời cơ thuận lợi để triển khai ngay
Cùng trao đổi, TS Lê Trung Kiên - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, trước kia, chúng ta đã có thời kỳ hợp nhất các tỉnh, sau đó lại tách ra do điều kiện hạ tầng, phương tiện đi lại, cũng như năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ. Việc phân tách, sáp nhập này đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ.
Quá trình phát triển đến thời điểm hiện tại cũng đã thấy xuất hiện những điểm hạn chế về nguồn nhân lực, đất đai, tài nguyên thiên nhiên...
Do đó, nếu sáp nhập lại các tỉnh với nhau sẽ tạo ra không gian rộng hơn để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực để phát triển trong tương lai.
"Việc sáp nhập các tỉnh với nhau cần được nghiên cứu, đánh giá và thực hiện ngay trước thời điểm Đại hội XIV của Đảng, theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" mà Bộ Chính trị đã nêu. Bởi đây là thời cơ, thời điểm rất thuận lợi để triển khai việc này, chuẩn bị tiến tới Đại hội XIV của Đảng, bước vào khởi điểm mới - khởi điểm của kỷ nguyên vươn mình, phát triển của dân tộc" - TS Lê Trung Kiên nhấn mạnh.
https://laodong.vn/thoi-su/bo-cap-huyen-sap-nhap-tinh-la-buoc-dot-pha-manh-me-1467368.ldo
VƯƠNG TRẦN ( BÁO LAO ĐỘNG)