Thẩm quyền quyết định, quản lý biên chế cán bộ, công chức
Bộ Nội vụ đề xuất việc quyết định biên chế cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi nêu rõ thẩm quyết quyết định, quản lý biên chế cán bộ, công chức. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Bộ Nội vụ đã hoàn thiện và gửi xin ý kiến về dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định của Luật Cán bộ, công chức hiện hành, quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và điều kiện bảo đảm thi hành công vụ.
Dự luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.
Tại Chương IV về quản lý cán bộ, công chức, dự luật nêu rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.
Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước; thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về cán bộ, công chức theo phân công, phân cấp của Chính phủ;
Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; thực hiện các nội dung quản lý nhà nước theo phân công, phân cấp của Chính phủ;
Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức theo phân cấp của cơ quan có thẩm quyền và theo quy định của Chính phủ.
Về thẩm quyền quyết định, thực hiện quản lý biên chế cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đề xuất việc quyết định biên chế cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quản lý biên chế các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội;
Chính phủ thực hiện quản lý biên chế các bộ; cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
Văn phòng Chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước thực hiện quản lý biên chế cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước;
Tòa án nhân dân tối cao thực hiện quản lý biên chế các Tòa án nhân dân;
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện quản lý biên chế ngành Kiểm sát;
Kiểm toán Nhà nước thực hiện quản lý biên chế Kiểm toán Nhà nước.
https://laodong.vn/thoi-su/tham-quyen-quyet-dinh-quan-ly-bien-che-can-bo-cong-chuc-1488273.ldo
HƯƠNG NHA (báo lao động)