Mức lương có vai trò quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất để thu hút và giữ chân người tài làm việc trong khu vực công. Ảnh minh họa: Hương Nha
Sức hấp dẫn của khu vực công
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ ngày 1.7.2022 đến ngày 30.6.2023, tổng số công chức, viên chức thôi việc là 18.991 người (bình quân 1.899 người/tháng, cao hơn bình quân 1.318 người/tháng giai đoạn tháng 1.2020 đến tháng 6.2022).
Trong đó có 1.967 công chức, chiếm 10,36% (bộ, ngành là 772 người, địa phương là 1.195 người) và 17.024 viên chức, chiếm 89,64%. Số nghỉ việc chủ yếu ở độ tuổi dưới 50 tuổi, chiếm 86,25%; trình độ đào tạo đại học chiếm 48,65% và thạc sĩ chiếm 15,7%. Các địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang.
Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn - đánh giá: Tình trạng thiếu hụt người tài của nhiều cơ quan, đơn vị trong khu vực công cho thấy khu vực này chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người lao động có trình độ năng lực và tâm huyết, gắn bó với cơ quan, đơn vị.
“Chính sách, bố trí, sử dụng, tạo môi trường, điều kiện làm việc, công tác đánh giá kết quả thực hiện công việc, đặc biệt là chính sách đãi ngộ, động viên khích lệ kịp thời về vật chất và tinh thần đối với những người có năng lực trình độ trong khu vực công chưa tạo được động lực thu hút, giữ chân những người tài” - ông Sao nhận định.
Cùng với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế hiện nay, ông Sao cho rằng, cần quan tâm đến cơ chế thu hút, giữ chân người tài như: Quy định về tuyển dụng, bố trí, sử dụng, tạo môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ công chức; quan tâm đến đánh giá kết quả thực hiện công việc. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghề nghiệp và cơ chế bổ nhiệm, đề bạt; đặc biệt là cần quan tâm đến đãi ngộ, động viên, khen thưởng vật chất, tinh thần, kỷ luật cán bộ công chức.
Tránh cào bằng trong đánh giá cán bộ
Tại Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung thêm nhiều chính sách đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Bên cạnh đó, bộ cũng đang đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch công chức nhằm bố trí người lao động vào các vị trí việc làm phù hợp với năng lực và trình độ theo nguyên tắc “có vào - có ra, có lên - có xuống”.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - cho rằng, việc Chính phủ xây dựng chính sách thống nhất cho khu vực công để thu hút, trọng dụng người có tài năng là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước.
Theo bà Nga, chế độ đãi ngộ, mức thu nhập là yếu tố cần được quan tâm bởi thực tế hiện nay, chế độ chưa tương xứng, khó giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.
Còn TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - chia sẻ, việc dùng chính sách đãi ngộ về vật chất, trong đó có tiền lương hoặc một số phụ cấp khác chưa hẳn đã giữ chân được người tài mà còn liên quan đến môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, phát triển. Vì vậy, phải giải quyết một cách đồng bộ chứ không phải chỉ chú ý một giải pháp.
Theo ông Dĩnh, muốn giữ được người tài năng trong khu vực công, ngoài thu nhập, cần có biện pháp đánh giá công chức, viên chức một cách khách quan, minh bạch dựa trên kết quả họ đạt được trong quá trình làm việc và có chế độ khen thưởng xứng đáng, không cào bằng.
https://laodong.vn/cong-doan/tim-huong-di-moi-de-khong-chay-mau-chat-xam-1491724.ldo