Thời sự
Cập nhật lúc 12:15 16/04/2025 (GMT+7)
Cần cơ chế vượt trội cho các nhà khoa học quốc phòng, an ninh

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đề nghị, cần có cơ chế vượt trội với các nhà khoa học, kỹ sư nghiên cứu về quốc phòng, an ninh.

Cần cơ chế vượt trội cho các nhà khoa học quốc phòng, an ninh
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới đề nghị với nhà khoa học, kỹ sư chịu trách nhiệm nghiên cứu về quốc phòng, an ninh cần có cơ chế vượt trội. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 15.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (dự thảo Luật).

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự án Luật gồm 8 chương và 95 điều, tăng 14 điều so với Luật KHCN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo.

Về tiềm lực con người, nhân lực nghiên cứu chất lượng cao, nhân tài (Điều 56, 57, 59 và Điều 83), ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự án Luật bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước.

Đồng thời quy định về cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong nước chưa giải quyết được.

Dự án Luật cũng đặc biệt bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong lĩnh vực, qua đó quy định cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài.

Những chính sách này nhằm để thu hút, giữ chân người tài tham gia; thu hút nhân tài là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Lê Quang Huy mong muốn cơ quan soạn thảo thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội về chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra cho rằng dự thảo Luật cần cụ thể hóa chính sách khẳng định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, tạo không gian mở, thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền tự do nghiên cứu và phát triển khoa học.

Về chính sách với nhà khoa học, ông Lê Quang Huy cũng đề nghị họ không phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự nếu tuân thủ đầy đủ quy trình liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đồng thời có hình thức khen thưởng, động viên phù hợp với các cá nhân, nhà khoa học xuất sắc, góp phần vào nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới nói dự thảo Luật đã bổ sung nhiều chính sách cho nhà khoa học.

Song, ông Lê Tấn Tới vẫn đề nghị riêng với nhà khoa học, kỹ sư chịu trách nhiệm nghiên cứu về quốc phòng, an ninh cần có cơ chế vượt trội hơn. Do đây là nhóm các nhà khoa học được giao trọng trách nặng nề và có vai trò quan trọng.

Ngoài ra, qua tham khảo chính sách công nghiệp quốc phòng quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cũng đề nghị dự thảo Luật bổ sung chính sách ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất của đất nước cho các lĩnh vực khoa học quân sự và an ninh.

Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong 10 chính sách hỗ trợ, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo thì "nguồn nhân lực" cần được đề cao trong thứ tự ưu tiên hàng đầu vì đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển nhanh lực lượng lao động, sản xuất chất lượng cao, tạo đột phá phát triển.

Với nguồn nhân lực người nước ngoài, Việt kiều, rất cần có những tuyên bố rõ ràng về các chế độ chính sách thu hút, đãi ngộ, điều kiện làm việc.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, dự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định, cụ thể hóa Nghị quyết 57, để việc thu hút nhân tài không chỉ là việc hợp tác quốc tế mà là để chuyên gia, nhân tài sinh sống, gắn bó lâu dài và cống hiến cho đất nước.

https://laodong.vn/thoi-su/can-co-che-vuot-troi-cho-cac-nha-khoa-hoc-quoc-phong-an-ninh-1491773.ldo

CAO NGUYÊN (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: