Các đối tượng trong vụ lừa đảo 1.000 tỉ đồng tại Bắc Ninh đang bị lấy lời khai. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Ninh
Giả mạo cán bộ, “ưu tiên” giúp đỡ người lao động
Ghi nhận của PV Lao Động cho thấy, trên mạng xã hội không khó để tìm thấy các địa chỉ tư vấn xuất khẩu lao động. Một fanpage có tên “Xuất khẩu lao động Nhật Bản - Cục Quản lý lao động ngoài nước” thu hút hàng nghìn lượt theo dõi, thường xuyên đăng thông tin tuyển dụng học viên và người có nhu cầu làm việc ở nước ngoài.
Trang này quảng bá các thông tin như: Tập đoàn may mặc Nhật Bản cần tuyển 150 thợ may tại nhiều tỉnh, thành; công việc đơn giản, thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Kèm theo là yêu cầu về sức khỏe, sự chăm chỉ, nhanh nhẹn, cùng lời hứa ký hợp đồng lao động, chế độ đãi ngộ hấp dẫn, tăng lương và được đóng bảo hiểm xã hội.
Trong vai người có nhu cầu xuất khẩu lao động, PV Lao Động liên hệ với fanpage và được yêu cầu cung cấp bằng tốt nghiệp THPT, số điện thoại để tư vấn. Người này tự xưng mình là “cán bộ” của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Đáng chú ý, với việc PV không đủ sức khỏe vì mắc bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, người này ngỏ ý muốn giúp đỡ PV: “Chị cứ nghe em, nếu chị không đủ sức khỏe vẫn có thể đi làm được. Sắp tới có đợt đi, em ưu tiên xếp cho”.
Tuy nhiên trao đổi với PV Lao Động ngày 11.4, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) khẳng định, đối tượng trên đã giả mạo cán bộ của đơn vị.
Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của người lao động, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) về các đối tượng mạo danh là cán bộ/nhân viên doanh nghiệp dịch vụ để lừa đảo, thu tiền của người lao động.
Thậm chí, có trường hợp đối tượng mạo danh sử dụng tên doanh nghiệp gần giống với tên của doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép; tài khoản nhận tiền là tài khoản cá nhân trùng với tên lãnh đạo của doanh nghiệp dịch vụ có giấy phép.
Trong khi đó, danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ do Bộ Nội vụ cấp được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước, địa chỉ: “http://dolab.molisa.gov.vn” (tại mục: Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu lao động).
Các đối tượng giả mạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ). Ảnh: Hương Nha
Hàng nghìn nạn nhân bị chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng
Thời gian qua, Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ hơn 50 đối tượng trong đường dây lừa đảo trực tuyến hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử, TP Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng (Campuchia). Nhóm này giả danh cán bộ công an, thuế, điện lực, giáo dục… gọi điện yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân, rồi chiếm quyền kiểm soát điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Tổng số tiền chiếm đoạt gần 1.000 tỉ đồng, với hơn 13.000 bị hại trên cả nước.
Tại họp báo thông báo tình hình, kết quả các mặt công tác công an quý I/2025 do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Tô Cao Lanh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) - đã thông tin về kết quả triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm lừa đảo công nghệ cao tại nước ngoài; giải cứu nhiều nạn nhân bị ép buộc làm việc trong các đường dây, ổ nhóm này đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác đối với loại tội phạm này.
Thiếu tướng Tô Cao Lanh cảnh báo người dân cần cảnh giác với các lời mời “việc nhẹ, lương cao”, xuất khẩu lao động không cần kinh nghiệm được đăng trên mạng xã hội. Nhiều người đã bị lừa sang Campuchia và các nước Đông Nam Á, bị ép tham gia tổ chức lừa đảo, đánh bạc trực tuyến. Nếu không đạt chỉ tiêu, họ có thể bị đánh đập, bỏ đói, thậm chí bị giết hoặc đòi tiền chuộc.
https://laodong.vn/cong-doan/canh-bao-thu-doan-gia-danh-can-bo-lua-tuyen-lao-dong-di-nhat-ban-1491155.ldo