Thời sự
Cập nhật lúc 08:10 14/02/2025 (GMT+7)
Tạo cơ chế đột phá để hút doanh nghiệp nghiên cứu khoa học

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tạo cơ chế đột phá để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Tạo cơ chế đột phá để hút doanh nghiệp nghiên cứu khoa học
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan tạo cơ chế đột phá để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 13.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Nghị quyết nhằm thí điểm một số chính sách, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để lĩnh vực này thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn.

Ngoài ra, quy định nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; quy định nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua quỹ.

Về ưu đãi thuế cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dự thảo Nghị quyết quy định các khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Về chuyển đổi số, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế cho phép sử dụng ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư, xây dựng nền tảng số quy mô quốc gia, quy mô vùng sử dụng chung cho các cơ quan, tổ chức.

Cho phép sử dụng nguồn thu từ cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện giai đoạn 2024-2027 để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng thuận với dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, Nghị quyết cần kịp thời tháo gỡ khó khăn khi chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với luật hiện hành.

Khi ban hành Nghị quyết, các cơ quan, Bộ ngành cần quan tâm đến những vấn đề cấp bách được nêu trong Nghị quyết 57 để triển khai sớm, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, những vấn đề đã chín, rõ thì cần đưa vào thực hiện luôn nhằm khơi thông nguồn lực để góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, các cơ quan, Bộ ngành cần “đi tắt, đón đầu” để thực hiện các chính sách, đơn giản hóa các thủ tục trong thanh quyết toán cho các nhà khoa học thực hiện các đề tài khoa học.

“Cần tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Trong thực hiện, cần có sự phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị triển khai” – Chủ tịch Quốc hội nêu.

https://laodong.vn/thoi-su/tao-co-che-dot-pha-de-hut-doanh-nghiep-nghien-cuu-khoa-hoc-1462600.ldo

CAO NGUYÊN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: