Thời sự
Cập nhật lúc 07:57 14/02/2025 (GMT+7)
Đề xuất tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm cho địa phương

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm cho địa phương để phát huy nội lực, góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số.

Sáng 13.2, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Tăng thẩm quyền để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”

Góp ý dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - đề nghị tiếp tục có nghiên cứu tổng thể, toàn diện về mô hình chính quyền.

Theo ông Mãi, nghiên cứu phải trả lời câu hỏi lớn là chính quyền có mấy cấp? Mỗi cấp chính quyền gồm có cơ quan nào? Từ đó mới trả lời chính quyền có 3 hay 4 cấp, có bỏ cấp huyện hay không? Ở từng cấp như vậy có HĐND và UBND hay không? Hiện nay, quy định này chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, làm rõ mối quan hệ giữa UBND và Ủy ban hành chính. Việc này nhằm đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn. Đây cũng là cơ sở đề xuất sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan.

Đối với TPHCM, ông Mãi cho biết, hiện nay, Hà Nội và Đà Nẵng đang thực hiện thí điểm nghị quyết chính quyền đô thị. Trong khi đó, TPHCM đã bước sang năm thứ 5 thực hiện theo Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị.

Việc duy trì áp dụng các Luật, Nghị quyết trên giúp TPHCM và một số địa phương có thời gian tổng kết kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo để đề xuất khung pháp lý một cách phù hợp; duy trì những điểm hợp lý trong quy định cũ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng cho rằng, để thực hiện quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, cần phải tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND.

Đồng thời, với TPHCM và các địa phương có số thu ngân sách cân đối, vượt chỉ tiêu đóng góp vào ngân sách nhà nước thì cần có cơ chế mạnh hơn để tạo động lực.

Theo ông Mãi, các điều khoản trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), HĐND được quyền quyết định các chủ trương, biện pháp để phát triển đầu tư tài chính, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội. Song, thực tế chỉ là "hợp thức hóa nhiệm vụ trên giao".

“Ví dụ, Đại học Quốc gia TPHCM là đơn vị trung ương nằm trên địa bàn thành phố. Năng lực khoa học công nghệ nằm ở đây. TPHCM muốn đầu tư cho Đại học Quốc gia 10 trung tâm nghiên cứu, mỗi trung tâm 100 tỉ đồng; hỗ trợ đào tạo mỗi giáo sư 100.000 USD/năm. HĐND có quyết được không? Luật ghi rất hay nhưng HĐND TP không quyết định được.

Năm 2030, nếu Đại học Quốc gia TPHCM được đầu tư từ 15.000 - 20.000 tỉ đồng sẽ hoàn thành được khu đô thị đại học như Thủ Thiêm. Nhưng nếu để thế này, ngân sách Trung ương có đầu tư hay không? TPHCM muốn, có làm được không, HĐND có quyết được không, UBND TP có đề xuất được không?” - ông Mãi nêu dẫn chứng thực tế và khẳng định, những vấn đề trong luật vẫn phải sửa thì mới thực hiện và làm hiệu quả được để góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát huy nội lực để vươn mình.

Cần cơ chế giám sát chặt chẽ

Ông Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - nhận xét, Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) năm 2025 có nhiều điểm tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) năm 2025  cần bổ sung tiêu chí rõ ràng cho việc sáp nhập, chia tách địa phương. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) năm 2025 cần bổ sung tiêu chí rõ ràng cho việc sáp nhập, chia tách địa phương. Ảnh: Hồ Long

5 điểm bất cập ông Khải đề cập gồm: Chưa có tiêu chí cụ thể cho việc sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính; tăng phân quyền nhưng thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ; thiếu chính sách hỗ trợ riêng cho chính quyền đô thị; chính quyền cấp xã có thể bị quá tải.

"Việc phân quyền mạnh mẽ có thể dẫn đến tình trạng cát cứ, chồng chéo trong quản lý giữa Trung ương và địa phương. Cần cơ chế giám sát rõ ràng để tránh tình trạng địa phương tự quyết định nhưng không đảm bảo tính đồng bộ với chính sách quốc gia" - ông Khải nêu.

Từ những bất cập trên, đại biểu Trần Văn khải đề nghị sửa đổi các điều khoản gồm: Bổ sung tiêu chí rõ ràng cho việc sáp nhập, chia tách địa phương (Điều 9, 11); Cải thiện cơ chế giám sát việc thực hiện phân quyền, bổ sung chế tài xử lý sai phạm (Điều 12, 13, 14); Xây dựng chính sách riêng cho chính quyền đô thị (Điều 2, 16, 17); Giảm tải công việc cho cấp xã, hỗ trợ nhân lực và tài chính (Điều 23, 24).

"Việc điều chỉnh những điểm trên sẽ giúp tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương và đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình" - ông Khải nói.

https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-tang-tham-quyen-tang-trach-nhiem-cho-dia-phuong-1462577.ldo

VÂN TRANG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: