Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng, cần chấp nhận hy sinh một phần, với mức lạm phát cao hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh Quochoi.vn
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 14.2, Quốc hội thảo luận ở tổ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, tình hình thế giới đang diễn biến nhanh chóng với nhiều thách thức. Trong nhiệm kỳ này, đất nước đã phải đối mặt với nhiều thách thức, như đại dịch COVID-19, những xung đột khu vực, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu, ảnh hưởng từ cơn bão Yagi...
Thủ tướng nhấn mạnh, việc thúc đẩy tăng trưởng để đạt hai mục tiêu trăm năm (100 năm thành lập nước và 100 năm thành lập Đảng) là yêu cầu khách quan, tất yếu. Tuy vậy, đất nước có quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn và độ mở cao, nền kinh tế đang chuyển đổi khiến việc đạt các mục tiêu này được đánh giá là rất khó khăn.
Theo Thủ tướng, để đạt mục tiêu cả nước phải tăng trưởng, các ngành tăng trưởng, doanh nghiệp tăng trưởng là nhiệm vụ không chỉ của Trung ương, mà đã được giao cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu chung, Chính phủ sẽ triển khai các chính sách thúc đẩy tín dụng với mức tăng trưởng cao, kết hợp điều chỉnh chính sách tài khóa, cân đối thu chi ngân sách và áp dụng ưu đãi thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cũng cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng, cần chấp nhận hy sinh một phần, với mức lạm phát cao hơn.
Một giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh giải ngân vốn vẫn còn chậm. Thủ tướng nhấn mạnh cần tháo gỡ vướng mắc, đồng thời sửa đổi nhiều luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả, thúc đẩy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Thủ tướng cho biết, cần chấp nhận hy sinh một phần, với mức lạm phát cao hơn. Ảnh Quochoi.vn
Bên cạnh đó, ba đột phá chiến lược cũng sẽ được tập trung triển khai, gồm: đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược và đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, đối với hạ tầng giao thông, Chính phủ sẽ triển khai các tuyến đường sắt quan trọng như tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.
Việc triển khai các dự án này sẽ đi đôi với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và sử dụng vốn hợp lý. Đồng thời, Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí, tránh tình trạng đội vốn, kéo dài thời gian thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát cũng sẽ được tăng cường nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Một trong những giải pháp quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh là vừa phát huy động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, vừa thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, bao gồm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chính phủ sẽ thể chế hóa và xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu là nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Nhấn mạnh tổ chức thực hiện là khâu còn yếu, Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng nhất là quản lý, vận hành sao cho hiệu quả. "Chúng ta thu về rất nhiều kinh nghiệm từ việc thi công đường dây 500kV vừa qua, đã rút ngắn tiến độ được 6 tháng. Thi công sân bay Long Thành cũng là điển hình. Trước đây, dự án cũng gặp nhiều vướng mắc, cách thực hiện chưa khoa học. Nhưng 2 năm nay chúng ta đã triển khai tích cực. Điều này cho thấy vấn đề nằm ở điều hành, cần tổ chức thực hiện khoa học, bản lĩnh.
Đây không chỉ là trách nhiệm của Trung ương mà còn của các bộ, ngành, địa phương. Khi đã thống nhất thì chỉ có tiến lên, không bàn lùi. Tất cả vì sự phát triển của đất nước", Thủ tướng cho biết thêm.
Nói về cải cách bộ máy nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lấy ví dụ về việc bỏ công an cấp huyện, cho biết khi thực hiện thay đổi này, một số cán bộ sẽ được điều chuyển lên tỉnh, trong khi đa số còn lại sẽ xuống làm việc tại cơ sở. Thủ tướng nhấn mạnh rằng, mọi sự việc đều bắt nguồn từ cơ sở, nơi người dân sinh sống, và chính tại đây, sự phát triển và hạnh phúc của nhân dân mới thực sự được đảm bảo.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngay từ bây giờ, chúng ta phải cải cách tổ chức bộ máy, không chỉ cải cách mang tính cơ học mà phải nâng cao hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin-cho. Việc cải cách là để phát triển, mục tiêu là để người dân hạnh phúc, ấm no, đất nước hùng cường, giàu mạnh.
https://laodong.vn/thoi-su/thu-tuong-nhan-manh-giai-phap-de-dat-muc-tieu-tang-truong-1463176.ldo
NHÓM PV (báo lao động)