Phụ huynh học sinh chật vật tìm trung tâm, gia sư dạy thêm
Nhiều phụ huynh, học sinh "chật vật" trên hành trình tìm kiếm trung tâm, gia sư tại nhà khi quy định mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực.
Phụ huynh, học sinh "chật vật" tìm kiếm trung tâm, gia sư dạy thêm. Ảnh: Hải Nguyễn.
Chật vật tìm gia sư, trung tâm dạy thêm
Hôm nay 14.2, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực.
"Tìm gấp trung tâm, gia sư" là cụm từ được chị Bích Ngọc (phụ huynh có con học tiểu học tại Long Biên, Hà Nội) cùng các bậc phụ huynh thảo luận sôi nổi nhiều ngày qua.
"Con thiếu tập trung, khá chậm, chưa theo kịp tiến độ trên lớp. Ngay sau khi nghe thông tin mới từ nhà trường, cô giáo, tôi đã chọn cách tìm gia sư nghiêm khắc, có trách nhiệm để bổ trợ thêm Tiếng Việt, Toán và Tiếng Anh tại nhà cho con. Nhưng hiện nay chưa gia sư nào nhận dạy con" - chị Ngọc chia sẻ.
Chị Vũ Thu Huyền (Hải An, Hải Phòng) trong tuần qua cũng đã liên hệ 5 trung tâm, 3 gia sư nhưng hiện tại vẫn trong trạng thái "chờ".
"Các trung tâm hay gia sư tôi liên hệ hiện đã dừng dạy thêm cho học sinh tiểu học theo thông tư, sau ngày 14.2 họ mới có thông báo mới nhất", chị Huyền ngậm ngùi chia sẻ.
Có con đứng trước kỳ thi tốt nghiệp quan trọng, chị Huyền cảm thấy khá lo lắng: “Các con đang học thêm để ôn thi, bẵng đi một thời gian dừng học thêm, tôi lo chất lượng sẽ giảm sút. Chỉ trong vòng 4 tháng nữa, liệu kiến thức ấy còn 100% hay chỉ còn 70-80%?".
Nhiều phụ huynh tìm kiếm gia sư dạy thêm trên các hội nhóm bất kể ngày đêm. Ảnh: Thanh Bình.
Sở dĩ, việc phụ huynh bậc tiểu học khó tìm gia sư cho con, hay việc các trung tâm tạm dừng nhận học sinh là bởi Thông tư 29 quy định: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung là cơ sở dạy thêm) đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật cũng như đảm bảo các quy định về địa điểm, hình thức, thời gian,...
Đây là lí do nhiều trung tâm dừng dạy thêm với học sinh tiểu học, tạm dừng dạy thêm khối 6 - 12 bởi cần thời gian rà soát, đảm bảo các quy định mới nhất.
Sinh viên Nguyễn Anh Thư, đang theo học chuyên ngành Giáo dục Tiểu học cho rằng, quy định mới trên khiến bản thân em cũng như nhiều gia sư không dám nhận học sinh.
"Một số điều khoản chưa rõ ràng khiến em lo lắng. Hiện em đang dạy 2 bạn học sinh lớp 4 và sẽ tạm thời chuyển sang dạy online. Em sẽ tiếp tục theo dõi thông tin để có phương án cho các bạn học sinh hiện tại" - Thư nói.
Chủ động phương án ôn tập
Là một trong những học sinh cuối cấp, em Lê Ngọc Minh Anh, học sinh lớp 12 lo lắng trước sự thay đổi lớn trong việc học thêm khi chỉ còn 3 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra.
Bên cạnh thi tốt nghiệp THPT, Minh Anh còn tham gia thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Minh Anh chia sẻ: "Đánh giá năng lực là một kỳ thi khó, nâng cao hơn. Cách thức, hình thức thi khác hoàn toàn so với thi tốt nghiệp THPT. Nếu em chỉ để ý tập trung ôn thi đánh giá năng lực thì kiến thức đại trà lại chưa vững”.
Sau khi trường học thông báo dừng các lớp học thêm buổi chiều, Minh Anh đã nghĩ đến phương án học online, song việc học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
"Khi lựa chọn nơi học thêm, em sẽ nghe ý kiến, tham khảo từ mọi người xung quanh mới quyết định. Việc dừng học thêm dài hạn sẽ khiến em mất nhiều thời gian trong việc đi tìm nơi học mới” - nữ sinh chia sẻ.
https://laodong.vn/giao-duc/phu-huynh-hoc-sinh-chat-vat-tim-trung-tam-gia-su-day-them-1461484.ldo
Thanh Bình - Vân Trang (BÁO LAO ĐỘNG)