Thời sự
Cập nhật lúc 08:38 06/02/2025 (GMT+7)
Tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể cao hơn 16%

Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho rằng, tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn mục tiêu 16% nếu vẫn kiểm soát được lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép.

Tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể cao hơn 16%
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể cao hơn mục tiêu 16%. Ảnh: VGP

Trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1.2025 chiều 5.2, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% GDP trong năm 2025, đòi hỏi rất nhiều chính sách cũng như giải pháp đồng bộ tất cả các lĩnh vực.

Với lĩnh vực ngân hàng, nếu muốn có tăng trưởng phải có đầu tư, mà muốn đầu tư phải có vốn để bảo đảm phát triển. Mức tăng trưởng trên 8% hướng đến 10% của năm 2025 là con số rất ấn tượng mà Chính phủ đặt ra.

Trong rất nhiều năm qua, như năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% tăng trưởng GDP.

Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10%, tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%.

Vấn đề làm sao phải có đủ vốn phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn những vấn đề cần củng cố. Trách nhiệm sẽ đặt nặng cho chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2025.

Ông Đào Minh Tú cho hay, cuối năm 2023, tổng dự nợ khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2024 là 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy riêng năm 2024, chúng ta tăng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng cả năm 2024, doanh số cho vay là 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ là 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP.

Về định hướng chính sách tiền tệ cho mục tiêu tăng trưởng 8%, phải kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp theo cần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế. Với mục tiêu này, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khóa, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại.

"Năm 2025 này, chúng tôi đặt vấn đề: Để đạt được con số tương đồng với mức tăng trưởng này sẽ phải làm thế nào? Việc điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sẽ thực hiện trước hết quan điểm vẫn phải là làm sao đạt mục tiêu, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế.

Với quan điểm cũng như mục tiêu đó cùng với những kinh nghiệm, bài học trước đây, điều hành chính sách tiền tệ năm nay tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại" - Phó Thống đốc Thường trực NHNN chia sẻ.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, đó là các phương pháp và cách thức điều hành nói chung, còn cụ thể hơn phải bảo đảm các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Bảo đảm thành quả cho nền kinh tế, cho các nhà thương mại. Các thành quả này chính là đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh vốn huy động, vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế từ doanh nghiệp, người dân. Và có chính sách lãi suất hợp lý để huy động vốn này.

Trong trường hợp cần có vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành của mình trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ.

Tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các yêu cầu khác trong quan hệ vĩ mô của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất bằng cách tiết kiệm các chi phí của mình, ứng dụng công nghệ giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

"Trong điều hành hạn mức tín dụng, chúng tôi đặt ra 16% nhưng cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép, và đạt mục tiêu tăng trưởng. Phương thức điều hành quản lý hạn mức này, năm 2024 đã có đổi mới và năm 2025 tiếp tục đổi mới và tạo thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại. Nếu cho vay tích cực, đúng đối tượng và phát huy được nguồn vốn cũng như bảo đảm được an toàn, lành mạnh của Ngân hàng thì việc chủ động được nâng cao. NHNN sẽ kiểm soát cũng như đảm bảo tổng thể mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế" - ông Đào Minh Tú nói.

https://laodong.vn/thoi-su/tang-truong-tin-dung-nam-2025-co-the-cao-hon-16-1459030.ldo

LAM DUY (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: