Sách giáo khoa điện tử: Khó khăn và cơ hội
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc phát triển sách giáo khoa điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng không thiếu cơ hội.
Xu hướng tất yếu
Sự bùng nổ của công nghệ đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam, mang lại nhiều phương thức giảng dạy mới và tích cực. Điều này cho thấy việc chuyển đổi số trong giáo dục không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Trong giai đoạn có dịch COVID-19, nhiều học sinh được giảng dạy và làm bài tập trên các nền tảng trực tuyến cho thấy sự tiện dụng và hiệu quả của việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, đến hiện tại, các website về học liệu không nhiều, phần lớn là các nội dung mang tính tự phát. Và điều mà các phụ huynh mong chờ là những nội dung chính thống từ các nhà xuất bản uy tín.
Hành Trang Số - nền tảng sách điện tử và học liệu điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - là một trong những nền tảng đang đẩy mạnh việc phát triển sách giáo khoa điện tử, học liệu điện tử, trở thành kênh học tập hiệu quả với nguồn tư liệu phong phú, học sinh có thể vừa học tập vừa thực hành ngay trên trang web.
Tuy nền tảng Hành Trang Số đã có những nỗ lực trong việc cung cấp đủ sách giáo khoa điện tử cho các cấp học, cùng học liệu điện tử đa dạng, nhưng hiện vẫn còn thiếu, chưa cập nhật đủ các sách giáo khoa điện tử cho chương trình học lớp 5, 9 và 12, trong khi đây là những lớp cuối cấp, rất cần nội dung để học tập, ôn luyện cho các kỳ thi đầu cấp.
Chia sẻ góc nhìn về việc phát triển sách giáo khoa điện tử sách giáo khoa điện tử tại Việt Nam, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh (giảng viên khoa Ngữ văn - ĐHSPHN, tác giả SGK Tiếng việt và Ngữ văn, NXB Giáo dục) cho rằng: “Việc phát triển sách giáo khoa điện tử tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu, nhưng các sách giáo khoa điện tử, học liệu giáo dục cần phải được phát triển dưới dạng multimedia (đa phương truyền) để đáp ứng mọi nhu cầu học tập, mọi điều kiện học tập, mọi hứng thú và sở thích khác nhau từ người dùng, chứ không chỉ đơn thuần là việc số hóa sách giáo khoa đưa lên nền tảng. Và để phát triển, cần phải tính đến những rủi ro, hạn chế, phải rất thận trọng, đặc biệt cần có những nghiên cứu khảo sát kỹ càng khi triển khai”.
Theo TS Minh, nếu muốn phát triển sách giáo khoa điện tử, phải căn cứ vào những dữ liệu thực tế chứ không chỉ từ một kịch bản mang tính chủ quan, cần xem xét khảo sát kỹ lưỡng các yếu tố như số lượng học sinh trong cả nước có khả năng sử dụng máy tính có kết nối internet, điều kiện đáp ứng của cơ sở vật chất, và đặc biệt cần xem xét phát triển hệ thống đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, giới hạn việc truy cập các đường link có nội dung không tốt cho học sinh, là đối tượng người dùng chính.
Hoàn toàn có thể phát triển sách giáo khoa điện tử nếu có thể đáp ứng được các điều kiện về kết nối internet ổn định, có hệ thống an ninh mạng đảm bảo và yếu tố giáo viên biết cách khai thác tối đa hiệu quả, lợi ích từ sách giáo khoa điện tử, những tài liệu học tập số mang lại. Thêm vào đó, cần có hướng giải pháp cho những hạn chế như về chi phí, bởi thực tế dùng sách giấy có chi phí rẻ hơn so với dùng sách giáo khoa điện tử. Người dùng sách giáo khoa điện tử phải trang bị thiết bị là iPad, điện thoại hoặc máy tính… có chi phí không nhỏ để có thể sử dụng. Hay như hạn chế về ảnh hưởng của ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử cho người dùng khi sử dụng, hạn chế của việc sách điện tử có sự phát tán xạ khiến người đọc mất tập trung.
Đẩy mạnh năng lực tự chủ trong việc sản xuất học liệu số, sách giáo khoa điện tử
Thực tế, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển học liệu số, sách giáo khoa điện tử tại Việt Nam. Số lượng lớn học liệu số ở Việt Nam hiện nay được các đơn vị nhà xuất bản, công ty phát hành đăng tải lên đang ở định dạng pdf, không có sự tương tác.
Thực trạng phát triển học liệu số, sách giáo khoa điện tử tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn một phần do sự phân tán giữa các đơn vị có bản quyền và đơn vị có công nghệ. Những đơn vị sở hữu bản quyền thường không có công nghệ để phát triển sách điện tử, trong khi các đơn vị có công nghệ lại không có bản quyền.
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh cho hay, với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, nhiều nhà xuất bản đang cố gắng số hóa bởi nếu đi ngược dòng chảy sẽ bị lạc hậu, phải bắt buộc thích nghi và phát triển vươn lên, tự phát triển hệ sinh thái của mình.
Thêm nữa, TS Minh cho rằng, nhiều học liệu điện tử đang mang tính tự phát, thả nổi, chưa tạo cảm giác tin tưởng với phụ huynh, học sinh. Cần thêm nhiều hơn những website có tính chất chính thống như Hành trang số của Nhà xuất bản Giáo dục. Bản thân trang Hành trang số cũng cần phải tích hợp nhiều hơn nữa các tính năng, thay vì chỉ là các nội dung sẵn có trên sách giáo khoa, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh và phụ huynh. Nếu mở rộng được những nội dung ngoài sách giáo khoa, với các dịch vụ hỗ trợ nhu cầu học bài, làm bài hàng ngày của học sinh, các trang web về học liệu điện tử sẽ còn nhiều cơ hội để phát triển. Như gần đây, sau Hội sách Hà Nội 2024, việc trang web đang tăng lượng truy cập đột biến cũng là một minh chứng cho nhu cầu đang ngày càng tăng mạnh trong cộng đồng người học.
https://laodong.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-dien-tu-kho-khan-va-co-hoi-1406052.ldo
Vân Hoa (BÁO LAO ĐỘNG)